Đề nghị lùi thời gian thông qua Luật đặc khu: Dân chủ, khách quan
VOV.VN - Việc nghiên cứu hoàn thiện thêm dự án luật là nhằm đảm bảo tính đột phá của chính sách, khi đưa vào thực hiện sẽ phát huy ngay tác dụng.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp Nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm và sẽ trình Quốc hội cho phép xem xét, thông qua Dự án Luật này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
“Rõ ràng ý nghĩa lập 3 đặc khu rất lớn”
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, trước hết phải thấy quyết định này thể hiện Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rất lắng nghe ý kiến của cử tri, đại biểu và Nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) |
“Chính phủ cũng mong muốn sớm thông qua luật nhưng khi có ý kiến cử tri và đại biểu còn băn khoăn thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời báo chí rằng lắng nghe ý kiến người dân để điều chỉnh cho phù hợp. Đề nghị lùi thời gian thông qua luật là điều rất đáng ghi nhận, thể hiện đúng nghĩa tinh thần dân chủ, khách quan và quyết sách xuất từ ý chí và nguyện vọng của nhân dân” – đại biểu Hoàng Văn Cường nói, đồng thời cho biết ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Vị Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng bày tỏ, ngay từ buổi phát biểu đầu tiên, ông rất ủng hộ việc thành lập 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Vì ý nghĩa của việc hình thành các đặc khu là rất lớn, không chỉ khai thác tiềm năng, phát triển riêng 3 nơi này, mà còn tạo ra động lực lan toả cho các vùng khác. Cùng với đó là thực hiện cơ chế, chính sách mới, trong đó có thể chế bộ máy hành chính.
“Rõ ràng ý nghĩa lập 3 đặc khu rất lớn. Nhưng cũng chính vì vậy mà chúng ta cần thận trọng, chặt chẽ ngay từ khâu xây dựng luật” – đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Còn đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) thì cho biết, những ngày vừa qua, bà đã dành nhiều thời gian để đọc, nghe, tham khảo, theo dõi dư luận báo chí, quan sát những diễn biến thảo luận trong nghị trường và cả hành lang Quốc hội đối với dự thảo Luật này cũng như nhận được nhiều tin nhắn của cử tri.
“Một Chính Phủ và Quốc hội vì dân phục vụ cần được thể hiện rõ hơn vào thời điểm quyết định này. Việc đề nghị lùi thời gian thông qua Luật đặc khu cho thấy, Chính phủ đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân bằng tâm thế rất cầu thị và tôn trọng; đề cao các ý kiến có giá trị của các chuyên gia, luật gia” – bà Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh, đồng thời tin tưởng người dân sẽ tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng vào Đảng, Chính Phủ trong thời gian tới.
Phân cấp phân quyền, tạo môi trường kinh doanh hiệu quả
“Phải khẳng định việc UBTVQH và Chính phủ thống nhất lùi thời gian thông qua luật về đặc khu là thể hiện sự nhạy bén, trên cơ sở nguyện vọng của đại biểu Quốc hội, của nhân dân và cử tri để rà soát, đánh giá và đảm bảo các chính sách chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả, khả thi khi luật được thông qua” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề của xã hội nêu ý kiến.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng |
Nhấn mạnh “đây không phải là bước lùi của chính sách”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phân tích, việc chưa thông qua luật tại kỳ này là cần thiết để nghiên cứu hoàn thiện thêm, đảm bảo tính đột phá của chính sách và khi đưa vào thực hiện sẽ phát huy ngay tác dụng, không tạo ra tiềm ẩn rủi ro về mặt chính sách.
Vị đại biểu Quốc hội đoàn Bến Tre cũng khẳng định, Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã được quy định trong đạo luật cao nhất được Quốc hội, nhân dân đồng thuận ban hành là Hiến pháp và việc xây dựng là cụ thể hoá quy định của Hiến pháp.
Tuy nhiên, do chúng ta chưa từng thực hiện đặc khu nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở điều kiện trong nước cũng như kinh nghiệm từ thành công và thất bại của nhiều nước để đảm bảo thành công, mang lại lợi ích lớn nhất cho đất nước, cho người dân. Điều đó cũng yêu cầu khi xây dựng chính sách phải thận trọng nên việc lắng nghe ý kiến của nhân dân, của đại biểu, chuyên gia là điều bình thường.
Đề cập cụ thể quy định trong dự án luật, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, UBND và HĐND vẫn có nhưng phân cấp phân quyền mạnh hơn để người đứng đầu giải quyết nhanh gọn, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực cao hơn và qua đó thu hút các nhà đầu tư. Dự luật về cơ bản đáp ứng điều này.
“Lỏng” quá thì khó quản lý nhưng “chặt” quá lại dẫn đến thu hẹp tính hấp dẫn, có thể ảnh hưởng môi trường đầu tư. Theo tôi không nên quá cầu toàn, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm để rồi điều chỉnh cho phù hợp” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh Đảng, Nhà nước quán triệt quan điểm luôn đặt lợi ích của Nhà nước và Nhân dân lên trên hết./.
Chưa thông qua Luật về đặc khu, bỏ quy định cho thuê đất 99 năm
Thủ tướng: Điều chỉnh thời hạn thuê đất đặc khu một cách hợp lý nhất