“Để phát hiện những ĐBQH ngoài Đảng như ông Dương Trung Quốc rất khó“
VOV.VN - PGS.TS Phạm Xanh cho rằng để phát hiện được những đại biểu Quốc hội ngoài Đảng như ông Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng...rất khó.
Công tác hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp đang được triển khai trong cả nước. Cử tri, người dân cả nước kỳ vọng sẽ lựa chọn được những đại biểu có đủ đức, đủ tài, đủ dũng khí để đại diện cho người dân thông qua những quyết sách phát triển đất nước.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Phạm Xanh (Khoa Lịch Sử - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh hoạt động của Quốc hội đang trên đường đi tới sự dân chủ hóa. Để tiếp bước con đường phát triển đó, người đại biểu Quốc hội càng cần phải có năng lực và dũng cảm để đại diện cho dân.
PGS.TS Phạm Xanh |
PGS.TS Phạm Xanh: Hoạt động của Quốc hội ngày càng có nhiều tiến bộ, đã phần nào xóa được hình ảnh “nghị gật” ám chỉ một số đại biểu Quốc hội chỉ biết vỗ tay, giơ tay tán đồng. Quốc hội những khóa gần đây đang trên đường đi tới sự dân chủ hóa mà Đảng và nhân dân muốn phấn đấu hướng tới.
Đặc biệt ở khóa XIII, qua các phiên thảo luận, đặc biệt trong hoạt động chất vấn đã dần định hình kiểu chất vấn tới cùng của vấn đề. Nhiều câu hỏi, vấn đề được các đại biểu Quốc hội theo đuổi không chỉ ở một phiên họp, một kỳ họp, với mục đích cuối cùng để vấn đề được làm sáng tỏ trước cử tri. Tôi chắc chắn rằng không ai có thể ngăn cản được cách thức làm việc này.
Điều đó cũng sẽ khiến cho hoạt động của Quốc hội ngày càng tốt hơn. Con đường phát triển của Quốc hội ngày càng rõ ràng.
PV: Để tiếp bước con đường phát triển ngày càng rõ ràng của Quốc hội, theo ông, Quốc hội cần những đại biểu như thế nào?
PGS.TS Phạm Xanh: Để đáp ứng được cách thức làm việc ngày càng quyết liệt của Quốc hội, những tố chất cần phải có của một đại biểu Quốc hội đó là có học và dũng cảm, để theo đuổi đến cùng những vấn đề mà đại biểu cũng như cử tri mong muốn. Nhiều đại biểu Quốc hội các khóa gần đây đã thể hiện được các tố chất đó.
Ngoài ra, cử tri mong muốn lựa chọn được những người đại diện cho mình phải là những người có đạo đức trong sáng. Tuy nhiên, đây lại là một câu chuyện khó, người dân khó có thể biết được người nào trong sáng. Nhiều người khi nắm quyền lực rồi mới thay đổi, mới bắt đầu thu vén cho bản thân, cho lợi ích nhóm, còn khi họ chưa có gì thì phần lớn họ đều trong sạch.
Vì vậy, tôi cho rằng Quốc hội cần phải có một cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ giám sát, quản lý đại biểu Quốc hội trong quá trình họ thực thi nhiệm vụ làm đại diện của nhân dân.
PV: Việc các đại biểu Quốc hội bị bãi miễn như bà Châu Thị Thu Nga, ông Mạc Kim Tôn, ông Lê Minh Hoàng, bà Đặng Thị Hoàng Yến khiến cử tri không khỏi băn khoăn về quy trình lựa chọn nhân sự giới thiệu đại biểu Quốc hội. Vậy theo ông, phải làm sao để quy trình lựa chọn nhân sự đại biểu Quốc hội được chặt chẽ, minh bạch?
PGS.TS Phạm Xanh: Theo tôi, đây là vấn đề khó có thể kiểm soát. Như tôi đã nói ở trên, khi người ta có quyền lực trong tay người ta mới bắt đầu thay đổi, trở thành đại biểu Quốc hội rồi họ mới nghĩ tới chuyện nọ chuyện kia. Tôi cho rằng, việc đặt ra những tiêu chí để lựa chọn những người đủ đức đủ tài để bầu vào Quốc hội là vô cùng khó.
Tiêu chí theo tôi chỉ giúp chúng ta có những lựa chọn ban đầu đúng đắn nhưng có thể tiêu chí đó sẽ không đi theo đại biểu Quốc hội suốt thời gian họ đảm đương nhiệm vụ đại diện cho cử tri.
PV: Do đó mà cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết phải chọn những vị đứng đầu một cơ quan ra ứng cử đại biểu Quốc hội?
PGS.TS Phạm Xanh: Đúng thế, nên cử tri mong muốn có nhiều đại biểu chuyên trách hơn, đại biểu kiêm nhiệm càng ít càng tốt. Tôi cho rằng đại biểu chuyên trách làm việc sẽ hiệu quả và tốt hơn, phụng sự nhân dân tốt hơn. Nhưng cũng không thể thiếu các đại biểu kiêm nhiệm, chỉ cần một số lượng nhỏ.
PV: Thảo luận về cơ cấu đại biểu Quốc hội, có ý kiến cho rằng nên giảm số lượng đại biểu Quốc hội ở các cơ quan hành pháp. Quan điểm của ông về vấn đề này?
PGS.TS Phạm Xanh: Tôi cho rằng, các cơ quan hành pháp có nhiều đại biểu trong Quốc hội, như vậy sẽ có nhiều cơ quan “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Đại biểu Quốc hội thay mặt cơ quan đó sẽ phải bảo vệ quan điểm của cơ quan, lợi ích của cơ quan mình. Như vậy ý kiến cho rằng nên giảm số lượng đại biểu Quốc hội ở các cơ quan hành pháp, kể cả cơ quan lập pháp, là hợp lý, giảm càng nhiều càng tốt, để dành những suất đó cho các đại biểu chuyên trách, tăng lượng đại biểu chuyên trách lên nhiều hơn.
Trong một doanh nghiệp Nhà nước, khi phân chia vốn để khẳng định sự sở hữu của Nhà nước người ta thường đặt tỷ lệ 51-49, trong đó vốn Nhà nước là 51%. Còn trong Quốc hội, dĩ nhiên Đảng cầm quyền, thì số lượng đảng viên phải lớn hơn, tuy nhiên theo tôi không nên chênh lệch quá lớn như vậy.
Theo tôi, cần suy nghĩ tính toán lại tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng và người trong Đảng sao cho hợp lý.
PV: Nhiều đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng như ông Dương Trung Quốc hay Nguyễn Lân Dũng… đã ghi dấu ấn tích cực trong lòng cử tri. Như vậy có thể thấy nếu có cơ chế hợp lý, sẽ khuyến khích được những đại biểu như vậy tham gia Quốc hội?
PGS.TS Phạm Xanh: Những người ngoài Đảng trúng cử đại biểu Quốc hội những khóa gần đây như ông Dương Trung Quốc hay ông Nguyễn Lân Dũng có thể nói là rất hiếm. Họ vừa có trình độ, vừa có dũng khí, có tâm huyết.
Làm cách nào để phát hiện được những đại biểu như thế đưa vào Quốc hội khi đó phát ngôn của những đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng mới phát huy tác dụng và được phổ biến.
Tuy nhiên, để phát hiện được những con người như thế là rất khó, bởi liệu rằng khi phát hiện, đưa lên nhưng rồi họ có được đón nhận hay không. Nếu họ không được đón nhận thì làm sao cử tri, người dân biết được họ.
PV: Xin cảm ơn ông./.