“Độ tin cậy chính trị sẽ mở đường cho những quan hệ, hợp tác khác“
VOV.VN - Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội tới Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus đã tạo động lực lớn cho mối quan hệ song phương.
Sáng 15/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã về đến sân bay Nội Bài, Thủ đô Hà Nội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hội đồng |
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã có nhiều cuộc trao đổi thực chất, tạo động lực lớn cho mối quan hệ song phương. Điều đặc biệt, mối quan hệ và độ tin cậy chính trị đã mở đường cho những quan hệ, hợp tác khác trong tương lai.
Quan hệ Việt-Nga sẽ tiếp tục phát triển
Những ngày mùa Đông ở Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus, cho dù nhiệt độ ngoài trời xuống còn từ 0-3 độ, nhưng với sự đón tiếp, trọng thị, nồng ấm của lãnh đạo cấp cao hai nước đã khiến cho cái lạnh của thời tiết dường như bị xua tan. Sự chân thành, cởi mở và tình cảm là không khí tại các buổi hội kiến, hội đàm của lãnh đạo cấp cao hai nước dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, chuyến thăm chính thức Liên bang Nga đã được các nhà lãnh đạo nước bạn mong đợi và có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai nước trong bối cảnh Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời. Đặc biệt, Liên bang Nga nằm trong Liên bang Xô Viết trước đây, là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam vào tháng giêng năm 1950.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu. |
Trong suốt chặng đường gần 70 năm qua, dù có nhiều thăng trầm, nhưng mối quan hệ hai nước vẫn phát triển mạnh mẽ vì sự phồn vinh của mỗi nước. Hai nước đã hợp tác sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, kể cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh.
Độ tin cậy chính trị đã mở đường cho những quan hệ, hợp tác khác. Sự phát triển kinh tế hai nước là một trong những minh chứng rõ nét nhất trong mối quan hệ này. Từ khi Liên minh các nước Á - Âu ký Hiệp định thương mại tự do, hoạt động thương mại hai chiều song phương tăng lên rất nhanh. Năm 2015 kim ngạch hai chiều giữa Liên bang Nga và Việt Nam khoảng 2,5 tỷ USD, nhưng đến hết năm 2018 đã tăng lên 4,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi.
Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, năm 2020 là năm cả 2 nước đều có nhiều sự kiện lớn lịch sử của đất nước. Nga sẽ tổ chức 75 năm ngày chiến thắng Phát xít. Việt Nam kỉ niệm 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, 75 năm thành lập nước. Đặc biệt hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhân những sự kiện này, tại các buổi hội kiến, hội đàm, các nhà lãnh đạo hai nước mong muốn mỗi nước cần tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Bởi đây là cơ hội mà hai nước tổ chức để giáo dục cho các thế hệ, đặc biệt là lớp trẻ hiểu rõ hơn về mối quan hệ gắn bó này.
Trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vinh dự được Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga mời phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội đồng. Đây là điều rất đặc biệt ở Hội đồng liên bang Nga.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự và có bài phát biểu quan trọng trước các Nghị sỹ Hội đồng Liên bang Nga. |
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hiếm có một đất nước nào có được tình cảm sâu đậm trong lòng người Việt Nam như nước Nga; tình cảm đó xuất phát không chỉ từ sự ủng hộ, hợp tác chính trị và kinh tế mà Nga đã dành cho Việt Nam, mà còn từ sự đồng điệu trong tâm hồn, tình cảm giữa nhân dân, thể hiện qua sự giao lưu, kết nối văn hóa:
"Tự hào nhìn lại chặng đường 70 năm quan hệ Việt - Nga, chúng tôi tin tưởng rằng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, vượt qua mọi thách thức và khó khăn, xứng đáng với truyền thống hữu nghị gắn bó lâu đời giữa hai đất nước, hai dân tộc. Trong sự nghiệp phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga -Việt, Quốc hội hai nước sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường giám sát, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận và dự án hợp tác, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn liên Nghị viện quốc tế, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới" - Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội đã được phía bạn đánh giá rất cao. Tại 2 cuộc hội đàm với Chủ tịch Duma Quốc gia Nga và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, những đề xuất của Chủ tịch Quốc hội đều được người đứng đầu Nghị viện, Hội đồng đồng tình và ủng hộ đó là: dư địa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn còn nhiều, nên thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa trong lĩnh vực này; Nhóm nghị sĩ hữu nghị hai nước tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác với thời gian hai năm một lần và phối hợp chặt chẽ để giám sát các thỏa thuận, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa địa phương hai nước.
Chủ tịch Quốc hội hội đàm với Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga. |
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh cho rằng, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Liên bang Nga hết sức chặt chẽ tại các diễn đàn Quốc tế mà Quốc hội hai nước là thành viên. Hầu hết ý kiến của Việt Nam đều được Nga thống nhất hoặc là có ý trùng khớp về những vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Chủ tịch Quốc hội cũng dành thời gian thăm nước Cộng hòa Tatarstan, nước có nhiều tiềm năng về ngành công nghiệp như khai thác và chế biến dầu, sản xuất sữa, đóng tàu, máy bay dân dụng.
Nhân dịp thăm ở đây, Chủ tịch Quốc hội cũng đã dành thời gian ghé thăm trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Liên bang Kazan. Ngôi trường có nhiều thiên tài đã từng học ở đó như Lenin; Puskin, Chekhov, Lev Tolstoi, Maksim Gorky.
Tạo động lực lớn trong quan hệ hai nước
Rời Liên bang Nga, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Cộng hòa Belarus, bắt đầu chuyến thăm chính thức.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Cộng hòa Belarus vừa bầu cử Thượng viện và Hạ viện cùng những chức danh chủ chốt. Thế nhưng, phía bạn đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp trọng thị nhất. Phó Chủ tịch Thượng viện đã ra sân bay đón đoàn.
Ngay sau khi xuống sân bay, Chủ tịch Quốc hội đã hội kiến Tổng thống nước bạn. Tại cuộc hội kiến này có đầy đủ Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Cộng hòa Belarus.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh, tại các buổi hội kiến, hội đàm cấp cao, bạn đều đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam lần này tạo ra một động lực lớn trong quan hệ hai nước. Đây là chuyến thăm nâng tầm quan hệ hai nước lên cao.
Chủ tịch Quốc hội hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Belarus. |
Với cách nhìn nhận như vậy, các buổi hội kiến, hội đàm hai bên đã bàn về nhiều nội dung thiết thực. Lãnh đạo cấp cao Cộng hòa Belarus nhấn mạnh, mối quan hệ chính trị tốt đẹp đã thúc đẩy các mối quan hệ khác, đặc biệt là kinh tế.
Việt Nam và Belarus đã ký kết Hiệp định thương mại tự do và Liên minh kinh tế Á- Âu. Đến nay kim ngạch hai chiều tăng nhanh. Theo Chủ tịch Thượng viện Matalia Kochanova, Việt Nam và Belarus là hai nền kinh tế không cạnh tranh mà có tính chất bổ sung, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Việt Nam là nước có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và các sản phẩm như cao su, chè, cà phê, hoa quả nhiệt đới. Hai bên cùng hợp tác sản xuất để có thể xuất khẩu sang thị trường thứ 3.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, về quan hệ giữa hai nước, hai Nghị viện, hai Bên sẽ tập trung ưu tiên thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại nhất là các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, Belarus có nhu cầu và ngược lại; thúc đẩy các mặt hàng nông sản có thế mạnh, cùng hợp tác trong lĩnh vực du lịch, hỗ trợ tìm kiếm các cơ hội mới, khả năng khai thác tiềm năng lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu.
"Hai Bên cam kết sẽ tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau, chia sẻ quan điểm chung về nhiều vấn đề trên các diễn đàn đa phương đặc biệt là Liên Hợp Quốc. Hai bên thống nhất sẽ triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Belarus mà 2 nước đã ký vào tháng 4/2009 để tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, cấp Ủy ban và Nhóm nghị sĩ hữu nghị nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. |
Đặc biệt khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập vấn đề biển Đông, các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đều đồng quan điểm với Việt Nam; mong muốn biển Đông là nơi phải đảm bảo tư do hàng hải và hàng không, đó là vấn đề mang tính chất toàn cầu chứ không phải là của một quốc gia nào đó. Tất cả đều phải được tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Giữa những ngày giá lạnh của mùa đông ở xứ sở Bạch Dương và Cộng hòa Belarus đã được sưởi ấm bởi những tình cảm, câu chuyện của các cựu chiến binh đã từng tham gia vào chiến trường Việt Nam mà Chủ tịch Quốc hội đã mời họ đến tri ân và gặp gỡ.
Các cựu chiến binh ngày ấy, những người đóng góp rất lớn công sức, trí tuệ của mình cùng quân đội Việt Nam chiến đấu, đều khẳng định, cả hai dân tộc cùng có nhiều điểm tương đồng và sự gắn bó về tâm hồn, yêu chuộng hòa bình. Họ sẽ luôn là những người bạn thủy chung của Việt Nam và tiếp tục thắt chặt hơn nữa sự gắn bó giữa hai dân tộc để truyền ngọn lửa hữu nghị đó cho các thế hệ mai sau.
Có thể nói, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta tới Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus đã kết thúc tốt đẹp với nhiều cuộc trao đổi thực chất, tạo động lực lớn cho mối quan hệ song phương. Điều đặc biệt, mối quan hệ và độ tin cậy chính trị sẽ mở đường cho những quan hệ, hợp tác khác trong tương lai./.