Dự án chậm tiến độ do sự phân quyền của bộ máy Nhà nước?
(VOV) - Điều này cũng khiến Nhà nước khó quy định trách nhiệm khi quản lý nguồn vốn xây dựng dự án.
Để quản lý vốn trái phiếu Chính phủ, năm 2012, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 12/2011/QH13 khống chế về danh mục và tổng mức phát hành vốn trái phiếu Chính phủ trong cả giai đoạn 2011 - 2015 là 225.000 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu Chính phủ thực hiện rà soát, cắt, giảm, giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án không được tiếp tục sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2011 - 2015.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã tiến hành việc rà soát, cắt, giảm, giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư 166 dự án với tổng mức đầu tư theo quy định tại Nghị quyết số 881/2010/UBTVQH12 là trên 131.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư điều chỉnh là gần 152.000 tỷ đồng, trong đó vốn đã bố trí từ khởi công đến 31/12/2012 là 37.585 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án có trong danh mục, ngoài số công trình đã cắt, giảm, giãn, hoãn, vẫn còn rất lớn.
Để hiểu rõ hơn về việc vì sao Chính phủ đã phát hành vốn trái phiếu Chính phủ và giao chỉ tiêu phân bổ cho các địa phương nhưng vẫn có nhiều tỉnh kêu thiếu vốn dẫn đến nhiều dự án, công trình phải tạm dừng lại, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề trên.
Ông Nguyễn Đức Kiên trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội |
PV: Thưa ông, chúng ta đã phát hành trái phiếu Chính phủ trung hạn. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều công trình mới phát sinh rất cần thêm nguồn trái phiếu. Vậy nguồn trái phiếu của Nhà nước đã phát hành có đảm bảo cung ứng cho các công trình mới không?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Tôi khẳng định là đến nay, chúng ta chưa phát hành thêm trái phiếu Chính phủ. Chúng ta vẫn đang chỉ sử dụng 225.000 tỷ đồng trái phiếu trong vòng 5 năm (2011-2015) dùng để xây dựng các dự án, công trình. Đến thời điểm này, đề xuất bổ sung thêm trái phiếu Chính phủ là không có.
PV: Như nhiều đại biểu Quốc hội đề cập là có địa phương luôn phản ánh thiếu vốn để xây dựng dự án dẫn đến nhiều công trình phải xây dựng dàn trải, dở dang, chắp vá. Do đó, phải mất nhiều năm mới hoàn thiện xong. Điều này ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân. Vậy theo ông, tại sao lại có tình trạng trên và giải pháp khắc phục là gì?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Việt Nam là nước nghèo nhưng nhiều địa phương có quan điểm là cái gì cũng muốn đầu tư. Vì thế mới có chuyện, có công trình bị xây dự dở dang, chắp vá và một số công trình chưa xây xong đã hư hỏng.
Theo tôi, để khắc phục tình trạng trên thì địa phương phải biết cân đối nguồn ngân sách được cấp để đầu tư những dự án hiệu quả nhất phục vụ nhân dân, tránh cái gì cũng muốn làm và khi thực hiện thì lại kêu thiếu kinh phí.
PV: Như vậy, có phải sự điều hành và phân quyền trái phiếu Chính phủ đã tác động lớn đến tiến độ xây dựng các dự án không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Việc phát hành trái phiếu có một bất cập lớn là vốn do Chính phủ phải lo, nhưng tổng mức đầu tư công trình dự án lại do địa phương quyết định. Điều này cho thấy, sự phân quyền trong hệ thống tổ chức hành chính, phân giao bộ máy Nhà nước không đúng.
Sự phân quyền trong hệ thống hành chính Nhà nước không đúng dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải trong nhiều năm nay và rất khó khắc phục. Như báo cáo của Uỷ ban Văn hoá-Giáo dục-Thanh Thiếu niên và Nhi đồng, nhiều dự án có tổng mức đầu tư tăng gấp 9 lần. Tuy nhiên, theo luật, nếu tổng mức đầu tư của dự án tăng trên 15% thì địa phương phải xem xét lại dự án đó. Thế nhưng, địa phương lại có thẩm quyền trong việc phê duyệt dự án nên rất khó quy trách nhiệm cho ai.
PV: Theo ông, để giải quyết sự mâu thuẫn trên thì vai trò điều hành của Quốc hội như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi, Quốc hội chỉ nên phê duyệt tổng vốn trái phiếu Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Như vậy, Quốc hội sẽ giao cho Chính phủ quyền điều hành. Số tiền chỉ có vậy thì phải làm sao đầu tư các dự án có hiệu quả cao nhất. Chính phủ sẽ phân vốn hàng năm cho các địa phương để xây dựng các dự án, công trình. Địa phương phải chọn lọc dự án đầu tư và phải chịu trách nhiệm với số vốn đã được phân cấp để xây dựng dự án; đồng thời phải có báo cáo với Chính phủ tiến trình thực hiện như thế nào.
Thông qua, kết quả giám sát “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 – 2012, Quốc hội sẽ thấy rõ những bất cập trong sự phân quyền trong hệ thống hành chính Nhà nước để có hướng khắc phục và điều chỉnh. Khi có sự điều chỉnh rồi thì chúng ta mới quy định được trách nhiệm giữa các Bộ, ngành và địa phương.
PV: Xin cảm ơn ông!./.