Dự thảo Luật Báo chí "bỏ quên" người chưa có thẻ nhà báo?
VOV.VN - Trước khi trở thành nhà báo, một người phải có ít nhất 3 năm làm phóng viên, tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội, dự thảo luật dường như lại bỏ quên lực lượng phóng viên này.
Báo chí vẫn gặp khó khi tiếp cận thông tin
Thảo luận về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) sáng 26/11, ĐB Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị làm Tờ trình làm rõ điểm mới mang tính đột phá để phát triển quản lý báo chí cho phù hợp với xu thế mới.
Về quyền tự do báo chí, theo đại biểu, hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau, tuỳ theo góc tiếp cận nên đề nghị làm rõ khái niệm. Từ đặc thù và thực tế của báo chí nước ta, khi báo chí không chỉ là phương tiện truyền thông, thông tin mà còn là công cụ tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân.
ĐB Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (TP Hồ Chí Minh) |
Đại biểu Trang cho rằng, trước hết cần thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn để cung cấp thông tin đầy đủ, giúp báo chí cung cấp thông tin kịp thời tình hình đất nước cho công chúng, không để lại khoảng trống thông tin, dẫn đến những suy diễn, đồn đoán đến từ nguồn thông tin không chính thống.
Trong thời gian qua, dù đã có quy chế phát ngôn nhưng báo chí vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các cơ quan, tổ chức. Một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện nghiêm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí.
“Đề nghị luật hoá quy chế phát ngôn, bổ sung thêm vào luật: Các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”, đại biểu đề nghị.
Để đảm bảo quyền tự do báo chí cần đảo bảo quyền tiếp cận thông tin của nhà báo và cơ quan báo chí. Tuy vậy, theo đại biểu, dự thảo quy định: Nhà báo, công dân có quyền tiếp cận thông tin mà pháp luật không cấm là còn chung chung.
Đại biểu cũng đề nghị cần cơ chế đảm bảo quyền tác nghiệp của các nhà báo vì thời gian qua có nhiều trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ phương tiện tác nghiệp của các phóng viên, thậm chí có nhà báo bị hành hung.
Trong Dự thảo luật mới chỉ quy định các cơ quan báo chí nếu sai phạm thì sẽ bị hình thức xử lý theo luật định chứ chưa thấy đề cập tổ chức, cá nhân khi cản trở nhà báo hoạt động hợp pháp. Do đó cần bổ sung vào Luật vấn đề này.
Bà Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang đề nghị cần chủ động trong việc quy định trách nhiệm định hướng thông tin trên báo chí để tiện cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ của mình. Bởi “các cơ quan báo chí không ngại khó, nhưng những người làm báo cũng rất dễ mắc lỗi khi nhận những tin nhắn vào đêm khuya khi tờ báo sắp được đưa đi nhà in”.
Luật “bỏ quên” người chưa có thẻ nhà báo?
Liên quan đến chủ thể người làm báo, Điều 32 Dự thảo Luật quy định nhà báo là người được cấp thẻ sau 3 năm công tác tại cơ quan báo chí. Đối tượng được xét cấp thẻ là các PV, BTV của cơ quan báo chí.
Như vậy, trước khi trở thành nhà báo, một người phải có ít nhất 3 năm làm phóng viên, tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo luật dường như lại bỏ quên lực lượng phóng viên này. Do luật báo chí hiện hành cũng không đề cập đến chủ thể phóng viên nên thời gian qua nhiều phóng viên bị từ chối cung cấp thông tin, cản trở trong quá trình tác nghiệp vì chưa có thẻ nhà báo.
Để khắc phục, nhiều cơ quan báo chí phải cấp giấy giới thiệu tạm thời cho phóng viên đi làm việc, trong khi đó một số cơ quan báo chí tự ý cấp thẻ phóng viên không đúng quy định dẫn đến khó khăn trong quản lý báo chí.
“Chủ thể phóng viên cần luật hoá để đảm bảo việc quản lý, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của phóng viên trong quá trình tác nghiệp”, bà Trang đề nghị.
Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh |
ĐB Trần Ngọc Vinh - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hải Phòng cũng nêu rõ, dự thảo có hẳn 5 điều để quy định về nhà báo. Trong khi đó ở nhiều điều khoản, cụm từ phóng viên, thẻ phóng viên, thẻ nhà báo dẫn đến sự không thống nhất trong toàn bộ dự thảo luật và có những cách hiểu khác nhau.
Về bản chất khái niệm nhà báo hay phóng viên là để chỉ nghề nghiệp, trong khi thẻ nhà báo hay thẻ phóng viên chỉ là loại giấy tờ công nhận cho những người được công nhận hành nghề chính thức. Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thống nhất thuật ngữ và giải thích đầy đủ để đảm bảo tính thống nhất trong luật.
Về phát triển các loại hình báo chí, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, cần nhìn nhận cách khách quan xu hướng thị trường báo chí thế giới để có giải pháp, biện pháp tạo điều kiện cho báo chí trong nước phát triển theo xu hướng chung của công nghệ, phương thức tiếp nhận thông tin của công chúng. Trong đó xu hướng đang lên thuộc loại báo hình và báo điện tử. Do vậy, dự thảo luật cần thiết thiết kế các quy định sao cho đảm bảo sự phát triển đồng đều, trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả.
Ông Trần Ngọc Vinh cũng cho rằng cần thay đổi phương pháp cách thức quản lý báo chí phù hợp hơn nữa, từ quản lý hình thức, sang quản lý nội dung hay cấp phép một lần cho cơ quan báo chí và cho phép họ tự do sáng tạo phát triển phù hợp với chiến lược cạnh tranh, phù hợp với năng lực./.