Dự thảo Luật: “Nhiều quy định nghe rất hay nhưng áp dụng không dễ"
VOV.VN - Cử tri cho rằng nhiều quy định không rõ hoặc là quá chung chung, đọc nghe rất hay nhưng áp dụng không dễ, do chính sách không được làm rõ ngay từ đầu.
Sự tham gia của người dân đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của các văn bản luật. Tuy nhiên, những năm qua, việc lấy ý kiến người dân vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật còn hình thức, chưa thu hút được sự quan tâm thực sự của người dân cũng như của chính đối tượng chịu sự tác động của văn bản quy phạm pháp luật vào quá trình lấy ý kiến.
Nghe nội dung bài viết:
Cử tri cho rằng, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý cho việc xây dựng luật, trong quá trình xây dựng các đạo luật, Ban soạn thảo cần thực hiện nghiêm các quy trình thảo luận về chính sách của văn bản pháp luật và công khai, minh bạch hóa hoạt động xây dựng pháp luật, có biện pháp xử lý thỏa đáng những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, để các quy định về chính sách trong các luật khả thi, phù hợp với nguyện vọng của cử tri và công tác quản lý của Nhà nước.
Cử tri Đỗ Văn Dư, Viện Kiểm sát Nhân Dân tối cao cho rằng: “Vừa soạn thảo luật, vừa xử lý chính sách nên văn bản soạn thảo phải thực hiện nhiều lần nhưng chưa được làm sáng tỏ, gây tốn kém mà hiệu quả lại không cao. Nhiều quy định không rõ hoặc là quá chung chung, đọc nghe rất hay nhưng áp dụng không dễ, do chính sách không được làm rõ ngay từ đầu. Đây là một trong những vấn đề cần khắc phục, luật ban hành quy định rõ quy trình, cách thức, thẩm tra luật”.
Nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, mặc dù được đăng tải công khai trong thời gian khá dài nhưng chỉ nhận được rất ít ý kiến của người dân. Thực tế, hình thức phổ biến để lấy ý kiến cho các dự án luật là các hội nghị, hội thảo, nên người dân bình thường là đối tượng điều chỉnh của các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gần như rất ít được tham gia.
Một phiên thảo luận về luật của Quốc hội (Ảnh minh họa) |
Tiến sỹ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển cho rằng, hội nghị, hội thảo thường là hình thức hay được các cơ quan chủ trì soạn thảo sử dụng trong việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với các dự án luật. Trong khi đó, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan soạn thảo đăng tải trên Internet đưa một lượng thông tin “khổng lồ” và các tài liệu kèm theo mà không “định hướng” cho người dân về những nội dung quan trọng, then chốt, trọng tâm những nội dung sẽ tác động trực tiếp tới lợi ích của người dân, để nhân dân góp ý làm cho việc tham gia ý kiến của người dân trở nên khó khăn, không hiệu quả.
“Dự thảo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, quy định lấy ý kiến người dân ở quy trình xây dựng chính sách và quá trình xây dựng luật. Bổ sung cơ chế xác định rõ đối tượng chịu sự tác động của luật để lấy ý kiến. Tóm tắt, gợi ý những vấn đề cần lấy ý kiến nhân dân, cơ chế phản hồi giải trình. Trách nhiệm của các tổ chức xã hội tổ chức lấy ý kiến ra sao?”, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao đề nghị.
Để người dân góp ý kiến có chất lượng đòi hỏi Dự thảo Luật Văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể quyền tiếp cận thông tin đối với hồ sơ dự án luật, minh bạch quá trình xây dựng văn bản pháp luật báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến và phải đăng tải công khai báo cáo này, để người dân có cơ hội tìm hiểu xem ý kiến của mình được tiếp thu, phản hồi như thế nào.
Bà Lê Thị Hoa, Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu ý kiến: “Cơ quan hành pháp cần coi trọng việc lấy ý kiến khi xây dựng các dự thảo văn bản luật. Cần có cơ chế cơ quan hành pháp phải đặt mình vào vị trí người dân để xây dựng xử lý pháp luật. Nếu không xây dựng luật chỉ để bảo vệ cơ quan hành pháp, chữ không phải bảo vệ người dân”.
Các chuyên gia và cử tri cũng đề nghị, Dự thảo luật cũng cần quy định cụ thể việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân cho các văn bản hướng dẫn thi hành luật như: dự thảo nghị định và thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành và văn bản pháp luật của chính quyền địa phương./.