Giảm cơ quan có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật
VOV.VN -Các ý kiến thống nhất đề nghị không quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã.
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều nay (9/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật ban hành văn bản pháp luật.
Các ý kiến thảo luận nhất trí với Thường trực Ủy ban Pháp luật giữ phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014) với những sửa đổi, bổ sung hoàn thiện về nội dung trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội và sửa lại tên Luật là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật. Bố cục của Dự thảo Luật được chia thành 14 chương với 150 điều.
Ý kiến khác nhau về thẩm quyền cấp huyện
Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, có một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số ý kiến khác đề nghị chỉ giao cho chính quyền cấp huyện ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến khác đề nghị không giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thường trực Ủy ban pháp luật cho rằng, để bảo đảm chính quyền cấp huyện thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương thì việc giao cho chính quyền cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, nhưng phải xác định rõ cơ quan có thẩm quyền ban hành và hình thức ban hành văn bản; đồng thời, quy định chặt chẽ về phạm vi, điều kiện, quy trình ban hành nhằm khắc phục hạn chế hiện nay là cấp chính quyền này ban hành nhiều văn bản nhưng nội dung lại sao chép lại văn bản của cấp trên, ít chứa quy định mới.
Theo đó, Dự thảo quy định Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết; Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề mà luật, nghị quyết của Quốc hội giao ban hành.
Đối với cấp xã, theo ông Phan Trung Lý, đây là cấp cơ sở có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp luật, do đó, không nên giao cho cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hơn nữa, qua khảo sát, mặc dù Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2004 giao cho cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng thực tiễn cho thấy, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành là sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc không phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên... Nếu tiếp tục giữ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã như hiện nay thì càng làm cho hệ thống pháp luật tiếp tục phức tạp, nhiều tầng nấc, khó kiểm soát từ phía các cơ quan nhà nước cấp trên; ảnh hưởng đến sự quản lý, điều hành thông suốt từ trung ương đến cơ sở.
Từ những lập luận trên, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị không quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Doãn Khánh đồng tình việc cần giảm đầu mối cơ quan có thẩm quyền bàn hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó chính quyền cấp huyện, xã không nên có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì 2 cơ quan này không có thẩm quyền ra chính sách nên không có quyền đặt ra các quy phạm pháp luật mới, có chăng chỉ là sao chép nên có khi không đầy đủ, thậm chí sai phạm, thiếu thống nhất việc cụ thể hóa pháp luật trong thực tiễn.
“Liệu các cơ quan không được ban hành thì có thực hiện được chức năng quản lý Nhà nước không? Hoàn toàn được bằng hệ thống văn bản hành chính, đặc biệt là các quyết định đều thể hiện đầy đủ quyền lực, để tránh hình thành hệ thống quá nhiều văn bản, sao chép không đầy đủ, chồng chéo, khó quản lý”, ông Nguyễn Doãn Khánh nêu ý kiến.
Loại bớt nhưng phải phù hợp
Ngoài ra, vẫn còn ý kiến khác nhau về nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị-xã hội; Thẩm quyền ban hành nghị định quy định về những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thông tư của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước; Thông tư liên tịch của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng TANDTC và VKSNDTC là cơ quan áp dụng pháp luật nên không cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Anh chuyên tổ chức thi hành pháp luật, không thể một tay giao luật, tay kia thi hành giống vừa đá bóng vừa thổi còi, không phù hợp chức năng”.
Tuy nhiên, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho rằng, do trình độ năng lực cán bộ còn hạn chế và với tốc độ xây dựng luật như hiện nay, có nhiều vấn đề chưa cụ thể hóa được trong luật. Do đó, ông Sơn đề nghị giữ nguyên văn bản quy phạm pháp luật như hiện hành để đảm bảo thực hiện công tác tòa án, đặc biệt là quyền tư pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc bớt đầu mối có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, tuy nhiên cần nghiên cứu cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế của nước ta.
“Có thể không cần Thông tư nhưng Nghị quyết phải chi tiết hết, không giao cho Bộ trưởng quy định cụ thể nữa. Hoặc Luật không giao Chính phủ quy định cụ thể nữa thì cần gì Nghị định. Nhưng thực tế ta có làm được không? Có những việc phải phối hợp với làm được. Bớt đầu mối được càng nhiều càng tốt nhưng phải lập luận cho rõ, thuyết phục”, Chủ tịch nói.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình cấp xã không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Với Nghị quyết liên tịch, văn bản liên tịch có cái áp dụng nhiều lần nên giữ lại, nhưng cần rà soát để hạn chế bớt loại này.
“Cái nào tổng kết, đưa được vào luật rồi thì sau này không giao ra văn bản liên tịch nữa. Nên định hướng trong trường hợp Chính phủ thấy rằng cần ra Nghị định quy định chi tiết thì không cần thiết giao ra Thông tư liên bộ”, Phó Chủ tịch Quốc hội rút lại vấn đề./.