Gian lận thi cử: "Đặt vấn đề về lòng tự trọng, sự nêu gương của cán bộ"
VOV.VN - "Nêu gương nhưng phải có lòng tự trọng, nếu không thì có cố nêu gương cũng khó tránh khỏi sự trí trá, luồn lách vì lợi ích"
Về hành vi gian lận thi cử, nâng khống điểm ở một số địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình gây bức xúc thời gian qua, nhiều cán bộ ở các địa phương này đã bị khởi tố. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu cũng như những cán bộ có con em được nâng điểm cũng phải được đặt ra và cần được làm rõ.
PV: Để xảy ra tình trạng gian lận thi cử gây rúng động dư luận ở một số địa phương, theo ông trách nhiệm thuộc về ai?
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Điều này căn cứ vào luật, xem Bộ GD-ĐT nói riêng và các Bộ nói chung nằm ở vị trí nào, chính quyền địa phương thế nào trong hệ thống để phân rõ trách nhiệm.
Bộ nghiên cứu ban hành chính sách trong phạm vi thẩm quyền, tham mưu chính sách và chỉ đạo tổ chức thực hiện. UBND là cấp triển khai thực hiện trực tiếp chính sách được ban hành. Do đó cần nhìn nhận rõ, công bằng, không phải cái gì cũng đổ cho Bộ.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Điều đáng lo ngại nhất qua các vụ gian lận thi cử là đặt con cháu chúng ta vào thói quen không có lòng tự trọng. |
Mấy ông dính líu gian lận thi cử vừa rồi đều thuộc cán bộ địa phương, là những người do địa phương đào tạo, cất nhắc, bổ nhiệm. Trách nhiệm trước hết của chính quyền địa phương chứ không đổ cho Bộ được. Còn Bộ phải có trách nhiệm rà soát xem chỗ nào hở trong quy trình đang bị lợi dụng để bịt lại.
Sau một hồi khởi tố, điều tra đều mấy ông địa phương bị bắt, điều đó cũng cho thấy trách nhiệm ở đâu. Cái gì thuộc Bộ thì phải nhận, còn cái gì của chính quyền địa phương thì chỉ ra.
PV: Nếu tiếp tục xảy ra những vi phạm tương tự thì rõ ràng cần có địa chỉ để xem xét trách nhiệm, thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Trách nhiệm là địa chỉ cụ thể, con người cụ thể chứ không phải cái gì đó chung chung. Ai vi phạm? Vì sao vi phạm? Rõ ràng họ có lợi ích nên lợi dụng kẽ hở.
Pháp luật không bao giờ là hàng rào kín được hết, chỉ là hành lang pháp lý, khuôn phép để mọi người đi trong hành lang đó, anh bẻ rào chui ra là vi phạm.
PV: Ngoài những người bị khởi tố, bị bắt thì trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, của những người có con em được nâng điểm cũng cần đặt ra. Tuy nhiên, đến giờ này chưa thấy có ai lên tiếng công khai xin lỗi người dân hay thực hiện các quy trình xem xét trách nhiệm, ít nhất ở góc độ nêu gương của cán bộ, đảng viên, thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Đảng, Chính phủ đều có quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong phạm vi quản lý điều hành của mình. Chỉ có điều họ có thực hiện hay không lại là câu chuyện. Tôi tin Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đang theo dõi.
Tôi nghĩ rằng có vấn đề của lòng tự trọng của cán bộ công chức. Nêu gương nhưng phải có lòng tự trọng, nếu không thì có cố nêu gương cũng khó tránh khỏi sự trí trá, luồn lách vì lợi ích đặt ra trước mắt.
Điều đáng lo ngại nhất qua các vụ việc này là đặt con cháu chúng ta vào thói quen không có lòng tự trọng.
PV: Rõ ràng cần làm rõ trách nhiệm của cả những cán bộ có con cháu được nâng điểm và các cơ quan chức năng như Uỷ ban kiểm tra cần vào cuộc, thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Tất cả thiết chế đều nằm trong mối liên hệ với nhân dân, trong phạm vi chức trách quyền hạn công vụ của cấp chính quyền. Nhân dân đòi hỏi phải rõ ràng câu chuyện đó và tôi nghĩ rằng, dù muốn hay không, dù đau đớn cũng phải làm cho ra.
PV: Dưới góc độ một đại biểu Quốc hội, ông có cảm giác thế nào khi những người có trách nhiệm, có con em được nâng điểm chưa có lời xin lỗi hay địa phương chưa có hành động thiết thực về công tác cán bộ liên quan vụ việc?
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Tôi rất buồn. Tôi vẫn tin đến một giới hạn nào đó rồi mọi việc cũng sẽ phải được minh bạch.
Còn bây giờ có thể biện hộ cách này cách khác nhưng người dân không đồng tình. Với tư cách ĐBQH, tôi đồng tình với thái độ của người dân.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Phó Thủ tướng: Không để xảy ra sai phạm, gian lận thi THPT năm 2019