“Giật mình” an ninh nguồn nước sau sự cố nước sông Đà nhiễm dầu

VOV.VN -Sau khi sự cố nước sông Đà nhiễm dầu xảy ra, từ Trung ương đến địa phương mới giật mình, vấn đề an ninh nguồn nước sơ hở quá...

Sáng 11/6, tại phiên họp tổ Quốc hội thảo luận về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) đánh giá cao việc phân cấp về công tác quản lý bảo vệ môi trường cho các bộ, ngành địa phương, song cũng bày tỏ băn khoăn là thực tiễn diễn ra từ hai chục năm nay nhiều dự án dự án đầu tư vi phạm ảnh hưởng đến môi trường rất nhiều. Việc phân cấp có đảm bảo cho công tác quản lý, thanh tra về môi trường.

“Khi phân cấp về cho các UBND địa phương và các bộ xét duyệt các dự án có yếu tố bảo vệ môi trường của các dự án thì có cách nào để chúng ta có thể ngăn chặn và thổi còi kịp thời những dự án ảnh hưởng đến môi trường, tránh thiếu sót về bảo vệ môi trường thì tác hại rất lớn”, đại biểu Nghĩa phân tích.

Còn đại biểu Lâm Đình Thắng đoàn TP HCM cho rằng, điều 40 của dự án Luật Bảo vệ môi trường có quy định việc tham vấn cộng đồng dân cư khi triển khai các dự án về môi trường. Tuy nhiên trên thực tế triển khai còn hạn chế, bởi người dân được nắm rất những thông tin về dự án và không có kiến thức chuyên sâu về môi trường.

Chính vì vậy đại biểu đề nghị bên cạnh quy định người dân góp ý thông qua MTTQ và các đoàn thể thì cần có quy định rõ cơ chế tiếp thu và giải trình và cần công khai minh bạch các thông tin về tác động môi trường của dự án.

“Phải có quy định luôn trong luật cách thức thông tin được công khai minh bạch. Thông tin như thế nào, công khai trên những phương tiện nào, tần suất bao lâu và trách nhiệm pháp lý khi đơn vị cung cấp thông tin thiếu chính sách. Cần bổ sung thêm đối tượng là các chuyên gia nhà khoa học về môi trường trong quá trình tham vấn vào quá trình thực hiện dự án”, đại biểu Lâm Đình Thắng kiến nghị.

Tại phiên họp tổ sáng nay, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể (đoàn Đồng Tháp) đồng tình với quan điểm cần tăng cường công tác quản lý môi trường, vì đây là giải pháp đảm bảo phát triển bền vững đất nước.

Đại biểu Quốc hội đề nghị phải có thêm quy định về an ninh nguồn nước. 

"Chúng ta cần tránh lặp lại vết xe đổ của nhiều nước, là sau khi kinh tế phát triển thì môi trường sống, môi trường nói chung xuống cấp nghiêm trọng, đến khi cảnh báo lại không có điều kiện để xử lý. Một số nước xung quanh chúng ta cũng đã phải trả giá đắt cho bài học về bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Cũng liên quan đến tiêu chuẩn khí thải phương tiện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Việt Nam là thành viên Hiệp hội ô tô thế giới, liên quan đến đường bộ. Các nước phát triển khi sản xuất các đầu máy, ô tô với các yêu cầu mới ngày càng cao về môi trường, cũng ban hành quy chuẩn về môi trường đối với ô tô. Tính đặc thù là khi người ta sản xuất mới ban hành các quy chuẩn mang tính toàn cầu, rồi sau đó các nước cụ thể hóa. Do đó, trong suốt thời gian vừa qua, kể cả trong Luật Giao thông đường bộ, Bộ GTVT luôn áp dụng vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiến nghị về việc ban hành quy chuẩn chất lượng môi trường đối với khí thải của phương tiện vận tải ô tô nên giữ theo Luật GTĐB hiện nay và theo kinh nghiệm mà từ trước đến nay thực hiện.

Cần sớm có quy định về an ninh nguồn nước sau vụ “sông Đà bị đầu độc”

Đề cập đến vấn đề môi trường nước, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban KHCN&MT Trần Thị Quốc Khánh nêu vụ ô nhiễm nước sông Đà vừa qua, suýt gây nguy hại cho hàng triệu người dân Thủ đô.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. 

Từ vụ việc trên, bà Khánh đề nghị phải có thêm quy định về an ninh nguồn nước. “Sau khi sự cố nước sông Đà xảy ra, từ Trung ương đến địa phương mới giật mình, vấn đề an ninh nguồn nước sơ hở quá”, đại biểu đoàn Hà Nội khuyến cáo.

Nhà máy nước sạch Sông Đà đang sử dụng hồ Đầm Bài rộng 69ha làm hồ chứa nước thô, hệ thống kênh hở rộng 6m, dài 3,52km dẫn nước từ sông Đà về nhà máy nên nguy cơ mất an ninh nguồn nước rất lớn.

Về bảo vệ không khí, theo bà Khánh, quy định như dự thảo còn chung chung, không rõ trách nhiệm cụ thể. Nhất là Hà Nội thời gian qua đã có nhiều cảnh báo ô nhiễm không khí, đến mức còn khuyến cáo người dân ở nhà, đóng cửa, không ra ngoài... “Chỉ 5 phút không thở được là đã ra đi rồi. Trong khi đó, quy định còn chung chung, xảy ra hệ lụy không biết kêu ai”, bà Khánh cho hay.

Viện dẫn bài học Formosa ở Hà Tĩnh, đại biểu Đặng Quốc Khánh (Hà Giang), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, có rất nhiều điều cần phải giải quyết khi xây dựng Luật bảo vệ môi trường sửa đổi. Đặc biệt là việc nhà nước cần phải đầu tư, nhất là về kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường. “Luật đề xuất chi ngân sách 2% cho môi trường là không đủ, phải cao hơn nữa vì còn chi cho cả đầu tư bảo vệ môi trường nữa chứ không đơn thuần là xử lý ô nhiễm môi trường” – ông Khánh nói.

Nhấn mạnh quan điểm không chấp nhận hi sinh môi trường để phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, người Việt Nam được quyền sống trong môi trường trong lành. Muốn vậy, phải làm sao đón đầu dự án, tạo ra sản phẩm tốt từ nguồn vốn, dẫn dắt để phát triển kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng.

Theo ông Hà, luật sửa đổi lần này đã cắt giảm 40% thủ tục hành chính, nhưng không buông lỏng vấn đề môi trường. “Những lĩnh vực có tổng lượng thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao sẽ được khoanh lại với 17 nhóm quy định trong luật này. Từ đó quy định vấn đề hậu kiểm thay cho tiền kiểm. Cắt giảm 40% thủ tục hành chính là cắt giảm hàng chục nghìn tỷ đồng”, ông Hà cho hay.

Còn về phân cấp quản lý, theo Bộ trưởng, sau này sẽ xác định luôn. Lĩnh vực gì thuộc về Quốc hội, Chính phủ, dự án lớn thì Bộ TN&MT chịu trách nhiệm. Còn dự án nào về an ninh quốc phòng do quốc phòng và công an phụ trách, các bộ, ngành khác không tổ chức bộ máy, nhân lực./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên