Hà Nội cần cơ chế đặc thù, cần được phân cấp mạnh hơn?
VOV.VN - Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải chia sẻ tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Hà Nội.
Chiều nay (20/12), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Các ý kiến đều chia sẻ với Hà Nội song cũng băn khoăn khi cân đối ngân sách Trung ương rất khó khăn.
Hà Nội thiệt hơn trước là không được
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS Đinh Văn Nhã và Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình bày các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: Giữa đề nghị của Hà Nội so với nội dung Tờ trình và báo cáo thẩm tra thì điểm nào bức xúc nhất? Nội dung Tờ trình so với hiện hành sẽ hạn chế hơn hay tạo thuận lợi hơn cho Hà Nội?
Sau khi đại diện Uỷ ban TCNS của Quốc hội cho biết theo tinh thần dự thảo Nghị định thì Hà Nội thiệt hơn, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Nghị định ra đúng luật, đúng chủ trương thì ta bàn, còn ra quy định mới mà hạn chế hơn thì Hà Nội cứ xin làm theo như cũ. Bởi lẽ, cơ chế đặc thù là phải có đột phá mạnh mẽ hơn giúp Hà Nội”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ chia sẻ với Hà Nội nhưng cho biết, thực hiện như cũ sẽ khó khả thi. Vì năm nay cũng như trong vài năm tới, ngân sách Trung ương là rất khó khăn nên không thực hiện được. Do đó mong Hà Nội chia sẻ với Trung ương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ quan điểm phải thực hiện đúng luật. Hà Nội có Luật Thủ đô nên có đặc thù khác TPHCM hay Đà Nẵng. Đánh giá các kiến nghị mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình bày có nhiều điểm mới có thể tạo đột phá, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên quan tâm.
Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN và NĐ của Quốc hội cho Chính phủ, Bộ Tài Chính có thể báo cáo thêm về khó khăn trong cân đối nhưng quan điểm vừa thực hiện đúng luật nhưng ưu tiên Thủ đô và “cần thiết có thể thắt lưng buộc bụng để có một Thủ đô đàng hoàng”.
Phát biểu thêm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, khó khăn của Chính phủ hơn ai hết Thường vụ và Quốc hội hiểu rất rõ. Là những người sinh sống và làm việc tại Hà Nội, mọi người đều biết thành tựu và khó khăn của Thủ đô.
“Tôi đồng ý sự cần thiết ban hành cơ chế đặc thù cho Thủ đô phát triển. Ngoài cơ chế tài chính còn một số cơ chế nữa thì Chính phủ nên nghiên cứu như đề nghị của Hà Nội là về phân cấp, phân quyền theo đúng luật để tạo sự năng động, chủ động trong tổ chức thực hiện”- Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm và đề nghị Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ giải bài toán rất khó này trên cơ sở cố gắng hài hoà, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu và nguyên tắc đề ra.
Hà Nội cần cơ chế để vượt qua thách thức đã thấy rõ
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành Uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ những thách thức Hà Nội đang phải đối mặt, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông, nếu không kịp thời có cơ chế tháo gỡ thì có thể dẫn đến những vấn đề rất nghiêm trọng, khi mà tốc độ di dân tự do và mật độ phương tiện giao thông không ngừng tăng.
Ngay việc quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm với 300km nhưng hiện tại chưa được mét nào, nhà đầu tư không mấy mặn mà. 100 tuyến xe buýt thì 73 tuyến phải trợ giá và có thể phải tăng cường trợ giá hơn nữa để thu hút người dân sử dụng.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải |
“Hà Nội là thành phố sự kiện và mỗi lần có sự kiện gì thì hết sức lo lắng. Nếu không giải quyết cấp bách thì từ vấn đề giao thông, môi trường rất dễ trở thành vấn đề chính trị” – Bí thư Hà Nội nhấn mạnh và cho biết cần nghiên cứu cơ chế đặc thù cho Thủ đô để vượt qua những thách thức đã thấy rõ.
Trên quan điểm đó, ông Hoàng Trung Hải cho rằng vẫn có thể điều chỉnh để ban hành nghị định vừa tạo điều kiện hơn cho Hà Nội mà Hà Nội vẫn chia sẻ được với Trung ương như tăng mức đầu tư điều chỉnh cho Hà Nội theo danh mục được quyết định trên tinh thần cân đối chung; hay các dự án ODA với tỷ lệ vay lại.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định bảo đảm bám sát điều 74 Luật Ngân sách, Điều 21 Luật Thủ đô và cần có đột phá, tạo lợi thế hơn so với trước đây cho Hà Nội. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đề nghị Chính phủ rà soát, tạo điều kiện thêm, nhất là dự án Thủ đô trình.
“Các đề nghị khác của Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét như liên quan luật đất đai, luật đầu tư công, luật xây dựng, luật nhà ở... tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho Hà Nội theo hướng phân cấp mạnh hơn cho Thành phố”, ông Phùng Quốc Hiển nói và giao cơ quan liên quan hoàn thiện Thông báo ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi Chính phủ./.