“Hoạt động Quốc hội không thực chất thì dân chán ngay”
VOV.VN - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh điều này và cho rằng thành công nhất của Quốc hội khoá XIII là hoạt động được nhân dân ủng hộ, đồng tình.
- Chiều nay (23/2), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Hoạt động Quốc hội tạo chuyển động về mọi mặt
Góp ý về dự thảo Báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần làm rõ những việc Quốc hội khoá XIII, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm đã đạt kế quả, tạo đổi mới và đem lại định hướng mới, mở ra được cái gì trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, việc sửa đổi, ban hành Hiến pháp 2013 là để cương lĩnh của Đảng đi vào đời sống. Tinh thần Hiến pháp đảm bảo mở rộng quyền dân chủ của nhân dân, Nhà nước pháp quyền được tăng cường, quyền con người, quyền công dân đảm bảo, hệ thống được đặt ra vừa đổi mới, vừa rõ ràng. Từ đó các bộ luật được xây dựng để triển khai Hiến pháp và để đưa đất nước tiến lên.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: Thành công lớn nhất của Quốc hội khoá XIII là hoạt động được nhân dân đồng tình, ủng hộ |
Hay chức năng quyết định vấn đề trọng đại của đất nước thì Quốc hội khoá XIII quyết “trúng” thế nào để tạo nền tảng phát triển, tạo kết quả.
Về giám sát thì việc lấy phiếu ín nhiệm chính là lần đầu tiên Quốc hội thay mặt nhân dân thực hiện quyền do pháp luật quy định để đánh giá người được Quốc hội bầu và phê chuẩn, từ đó đem lại kết quả.
Hoạt động giám sát để ra Nghị quyết có địa chỉ, có vấn đề, đối tượng. Nhiều lĩnh vực trước đây còn ít “đụng” đến như Công an, Toà án thì nay đều được đem ra Quốc hội để thấy rõ vai trò, trách nhiệm.
Các hoạt động từ lập pháp, quyết định, giám sát thúc đẩy hoạt động của toàn bộ hệ thống bộ máy Nhà nước. Chính phủ và các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc và nhờ vậy tạo chuyển động về mọi mặt.
“Thành công nhất của khoá XIII là hoạt động của Quốc hội được nhân dân ủng hộ, đồng tình. Thông qua Quốc hội có hoạt động của Đảng, Nhà nước đã củng cố thêm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Hoạt động không thực chất, đánh trống bỏ dùi thì dân chán ngay. Nhưng qua các cuộc tiếp xúc sau mỗi kỳ họp trong nhiệm kỳ qua nhân dân đều đánh giá thành công, cử tri phấn khởi”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.
Vai trò của đại biểu cũng thể hiện qua thảo luận, tranh luận dân chủ ngày càng cao để đi đến quyết đáp và các hoạt động đều cho thấy vai trò của mỗi cá nhân trên mỗi cương vị.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đánh giá, hoạt động của Quốc hội trong 5 năm qua đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Vai trò Quốc hội ngày càng được nâng cao. Tính công khai, minh bạch trong quyết định của Quốc hội nâng cao, được nhân dân cả nước đồng tình. Các quyết định thực chất hơn, buộc phải chấp hành, hiệu lực được thực thi nghiêm túc.
“Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân và cử tri. Hoạt động của Quốc hội bám sát sự vận động, tình hình nóng hổi của đất nước. Giải quyết đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, của cuộc sống”, ông Ksor Phước nhấn mạnh và cho rằng công tác đối ngoại cũng như mối quan hệ giữa Quốc hội với Chủ tịch nước, cơ quan hành pháp, tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng tốt hơn.
Cơ bản đồng tình với dự thảo Báo cáo, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh khối lượng công việc trong khoá XIII là đồ sộ, nhất là sửa đổi, bổ sung chính sách để tác động hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện khung pháp lý an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng; cải cách tư pháp mạnh mẽ và cải cách thủ tục hành chính... Qua đó mang lại diện mạo, không gian mới cho quá trình phát triển đất nước, tác động đến đời sống người dân.
Nhấn mạnh nếu không dân chủ sẽ không mang lại chất lượng tốt nhất trong hoạt động Quốc hội, bà Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh, khoá XIII đã khuyến khích sự tham gia của đại biểu, chuyên gia, người dân, chuyển sang Quốc hội gần dân hơn; thảo luận, giải quyết, quyết định vấn đề của người dân mạnh mẽ hơn; không khí tranh luận tăng cường tích cực hơn...
Quy trình được quan tâm mạnh mẽ, qua đó phát huy dân chủ, đảm bảo chất lượng trước khi trình ra Quốc hội. Đây là trọng điểm của nhiệm kỳ qua.
Một điểm quan trọng nữa mà bà Trương Thị Mai nhấn mạnh chính là tinh thần cốt lõi Hiến pháp 2013 – thể hiện sự quan tâm của Quốc hội về quyền con người, quyền công dân. Các luật ra đời sau đó mang tinh thần đổi mới mạnh mẽ.
Nhiều tồn tại có trách nhiệm của Quốc hội
Bên cạnh những thành tựu mà Quốc hội khoá XIII đã đạt được, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, báo cáo cũng cần chỉ ra hạn chế, tồn tại cũng như rút ra những kinh nghiệm cho khoá mới thực hiện tốt hơn.
“Chống lãng phí, tiêu cực, thất thoát, tham nhũng thì từ hoạt động quyết định, giám sát, chất vấn, xây dựng luật chưa thực sự tạo chuyển động. Luật đủ mà không làm thì chẳng có tác dụng gì cả. Giám sát làm rất kinh nhưng tác dụng còn hạn chế. Đó là khuyết điểm và vai trò, trách nhiệm của Quốc hội đấy”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.
Hay giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo ông Nguyễn Sinh Hùng cũng cho thấy vai trò Quốc hội chưa rõ. Hay “việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm là tốt nhưng cả nhiệm kỳ chưa bỏ phiếu tín nhiệm ai cả. Ta bãi miễn một số đại biểu nhưng cử tri bãi miễn đâu? Nên đề xuất sau này làm tiếp”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng không ít việc còn tồn tại gây tác hại cho nhân dân |
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng bày tỏ “tiếc” khi cả nhiệm kỳ có một sáng kiến pháp luật nhưng chưa được chấp thuận. Do đó sắp tới phải làm sao hướng đến cho đại biểu và các tổ chức xã hội phát huy trí tuệ và chuyên môn của mình đề xuất dù một điểm, một chương.
“500 đại biểu đến từ các vùng miền, công tác trên các lĩnh vực, nhiều việc họ mắt thấy tai nghe và có chuyên môn riêng nên sẽ có đề xuất sáng kiến. Hiện tại việc xây dựng luật nhờ vào các cơ quan Quốc hội là chính, vai trò đại biểu còn lu mờ. Sắp tới cần làm mạnh sáng kiến pháp luật, làm từng điều, từng chương. Rất cân nhắc với việc muốn làm hoàn chỉnh một bộ luật”, ông Ksor Phước kiến nghị.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng, các cuộc giám sát, kiến nghị cử tri được Quốc hội ghi nhận và hối thúc cơ quan hữu quan xem xét giải quyết, tuy nhiên còn không ít vụ việc tồn tại gây tác hại cho nhân dân, ảnh hưởng sự phát triển trong khu vực.
Có vấn đề, theo ông Ksor Phước là “tiếng nói cử tri rầm rầm đến cửa Quốc hội mà không xử lý được. Ta nhìn thấy, toàn dân thấy nhưng cách xử lý thế nào?”. Đơn cử như tắc đường ngày càng nghiêm trọng; vấn đề tài chính ngân sách, nợ công; chương trình mục tiêu quốc gia có cái được nhưng có cái chưa được... Từ đó cần rút kinh nghiệm để khi quyết định cần tính khả năng thực hiện, cơ chế kiểm soát thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì đề nghị Báo cáo cần đề cập việc Quốc hội bãi miễn 2 đại biểu không đáp ứng yêu cầu trong khoá XIII, từ đó rút kinh nghiệm cho khoá tới. Hay việc lấy phiếu tín nhiệm có hiệu quả nhưng hiệu quả như thế nào cần có tham khảo các đánh giá khác để thể hiện trong báo cáo trình Quốc hội./.