Kết thúc phiên thảo luận, còn nhiều ý kiến khác nhau về Dự án luật BHXH sửa đổi

VOV.VN - Vì dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang còn nhiều ý kiến khác nhau cần tiếp tục thảo luận làm rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội việc xem xét thông qua dự thảo Luật hay không thông qua vào giai đoạn sau của Kỳ họp này.

Theo chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội dành cả ngày 27/5 thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau 1 ngày trao đổi, thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã có 55 ý kiến phát biểu, có 2 phát biểu tranh luận về nội dung của luật này.

"Mong đại biểu thông cảm cho chúng tôi"

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi ) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, đóng góp nhiều nội dung quan trọng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng khẳng định, Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam còn rất non trẻ (mới 29 năm) trong khi các quốc gia trên thế giới, chính sách này đã được triển khai vài trăm năm. Mặc dù vậy, Việt Nam đã có 8/9 loại hình bảo hiểm xã hội, cơ bản phát triển tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Chính sách bảo hiểm xã hội được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương và được sự ủng hộ của người dân, người sử dụng lao động. Bên cạnh đó là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ công nhân viên của hệ thống bảo hiểm xã hội”, Bộ trưởng khẳng định.

Về một số nội dung đại biểu quan tâm liên quan đến quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là vấn đề nhạy cảm nhất trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và cũng là vấn đề phức tạp nhất.

Trên cơ sở Nghị quyết 28 của Trung ương, mục tiêu đặt ra là đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước để khi người già về hưu đều có lương, có bảo hiểm y tế. Cùng với đó cũng phải quan tâm đến đời sống thực tế bây giờ của người lao động, vì nguyện vọng của một bộ phận người lao động muốn rút bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ trưởng, với các mục tiêu vừa phân tích, Chính phủ đã đưa ra hai phương án (qua nhiều lần tham vấn các tổ chức quốc tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị), đến ngày 25/5 vừa qua, Chính phủ tiếp tục cho ý kiến về nội dung này và thấy rằng không có phương án nào khác ngoài 2 phương án nêu trong dự thảo luật.

“Qua nghiên cứu các ý kiến đề xuất, cũng tính toán đến tích hợp hai phương án như một số đại biểu phân tích, theo đó người đang đóng được hưởng tiếp như phương án 1; người đóng sau này thì hưởng theo phương án 2. Tuy nhiên, sau khi xem xét, các chuyên gia đánh giá thấy rằng, nếu cộng hai phương án thì cộng nhược điểm nhiều hơn là cộng ưu điểm. Chính vì vậy, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội đề nghị cho lựa chọn một trong hai phương án Chính phủ trình.

Hơn nữa, từ Kỳ họp thứ 6 đến nay, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến tác động rộng rãi, trong đó qua báo cáo của 5 địa phương có tỷ lệ rút bảo hiểm một lần, tuyệt đại bộ phận ý kiến đều chọn phương án 1, rất ít người đề xuất phương án 2. Bộ trưởng cũng tán thành với ý kiến đại biểu cho rằng, cùng với việc có chính sách hạn chế cho rút bảo hiểm xã hội một lần, chúng ta có nhiều giải pháp trong đó có các chính sách hỗ trợ người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết. 

"Cải cách tiền lương khó nhất là không có tiền"

Vấn đề liên quan đến ý kiến đề xuất tăng các chính sách về thai sản, ốm đau....rất phù hợp, xác đáng, đúng với thực tế, đúng với nhu cầu và cần phải ghi nhận. Tuy nhiên, ngay trong quá trình soạn thảo dự thảo luật, chúng ta đã đưa rất nhiều chính sách tân tiến hơn, nhiều chính sách tốt hơn so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

“Nếu tiếp tục tăng quỹ ốm đau thai sản thì ngân sách hiện nay chưa thể đảm bảo, do vậy trong giai đoạn trước mắt cần đảm bảo hài hòa giữa chính sách, quyền lợi với khả năng cân đối của quỹ, giữa khả năng chi và thu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ý kiến.

Giải trình nội dung liên quan đến mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ trưởng cho biết Nghị quyết 28 nêu rõ, phấn đấu tới tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, đa tầng. Nghị quyết 42 cũng nêu đến năm 2030 đạt độ bao phủ là 60% nên việc mở rộng bảo hiểm xã hội là tất yếu.

 Bộ trưởng nêu rõ, những đối tượng nào đã rõ, đã đủ điều kiện, chúng ta quy định ngay trong luật này. Đối với đối tượng là hộ kinh doanh cá thể, qua lấy ý kiến cho thấy, tham gia bảo hiểm bắt buộc là phù hợp; hơn nữa, trên thị trường lao động linh hoạt, chuyển biến nhanh, một người có nhiều quan hệ lao động khác nhau.

"Hơn nữa, trên thị trường lao động linh hoạt, chuyển biến nhanh, hôm nay có thể làm việc này ngay mai làm việc khác, một người có nhiều quan hệ lao động khác nhau, làm cho ông chủ này nhưng tối đi làm cho ông chủ khác, doanh nghiệp khác", ông Dung nói và cho biết đề nghị ủy quyền giao lại cho Thường vụ Quốc hội quy định như vậy là phù hợp hơn, linh hoạt hơn.

Về việc đại biểu băn khoăn vì sao lại bỏ đi khái niệm quy định mức lương hưu thấp nhất, Bộ trưởng cho biết mức lương hưu thấp nhất thời gian vừa qua chỉ đúng trong một giai đoạn nhất định.

“Tới đây, khi mở rộng độ bao phủ thì dù bỏ mức lương hưu thấp nhất không có nghĩa là không còn người tham gia bảo hiểm ở mức thấp hơn mức lương. Mức lương hưu thấp nhất hiện nay đang lấy ở mức lương cơ sở nhưng nếu giữ nguyên thì một loạt người không thể tham gia được. Bởi khi đó họ không đủ điều kiện tham gia bằng mức lương tối thiểu, vậy tại sao không cho mức thấp hơn để họ có thể tham gia theo nguyên tắc đóng thấp thì hưởng thấp, có bảo hiểm y tế”, ông Dung nói.

Liên quan đến cải cách tiền lương, ông Dung cho biết cải cách tiền lương với hơn 20 năm chuẩn bị.

"Cái khó nhất của cải cách tiền lương là không có tiền. Đợt này thì có tiền rồi, rất mừng với con số 680.000 tỷ đồng đã báo cáo Quốc hội. Cải cách tiền lương thì rõ ràng cần thiết và cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, vấn đề phức tạp vì cốt lõi là trả lương theo vị trí việc làm", ông Dung cho hay.

Theo ông Dung, muốn trả lương theo vị trí việc làm thì phải xác định được vị trí việc làm. Trong đó, vị trí việc làm có 3 đặc điểm như tính ổn định, lâu dài và thường xuyên.

Về cải cách tiền lương, Bộ trưởng cho biết chỉ đề xuất mức tham chiếu thay thế cho mức lương cơ sở. Mức tham chiếu thực chất là tính trên cơ sở tăng trưởng kinh tế hoặc mức thu chi. Dù mức tham chiếu thay cho lương cơ sở nhưng bản chất không có vấn đề gì.

Quốc hội sẽ xem xét thông qua hoặc không thông qua

Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trong ngày hôm nay rất sôi nổi, dân chủ. Các đại biểu phát biểu thẳng thắn, sâu sắc, cụ thể, thể hiện trí tuệ và trách nhiệm cao.

Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao và thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời phân tích, làm rõ, góp ý thêm nhiều nội dung cụ thể, thiết thực cả về nội dung mang tính quan điểm, nguyên tắc, cơ chế pháp lý cả về chi tiết, từng điều khoản, quy định cụ thể của dự thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu, gửi đến các cơ quan có liên quan và báo cáo lại các vị đại biểu Quốc hội để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình một cách đầy đủ, thuyết phục.

Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thận trọng, cân nhắc và phối hợp với Chính phủ quyết định việc gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội để lựa chọn phương án, làm cơ sở tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật với trách nhiệm cao nhất và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong thời gian giữa hai đợt của Kỳ họp trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét.

Căn cứ ý kiến đại biểu Quốc hội với chất lượng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội việc xem xét thông qua dự thảo Luật hay không thông qua vào giai đoạn sau của Kỳ họp này.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

77 đại biểu Quốc hội xin tham gia phát biểu về Luật Bảo hiểm xã hội
77 đại biểu Quốc hội xin tham gia phát biểu về Luật Bảo hiểm xã hội

VOV.VN - Quốc hội dành cả ngày 27/5 thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Nội dung luật này nhận được 77 ý kiến xin tham gia phát biểu, chưa kể đến ý kiến tranh luận.

77 đại biểu Quốc hội xin tham gia phát biểu về Luật Bảo hiểm xã hội

77 đại biểu Quốc hội xin tham gia phát biểu về Luật Bảo hiểm xã hội

VOV.VN - Quốc hội dành cả ngày 27/5 thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Nội dung luật này nhận được 77 ý kiến xin tham gia phát biểu, chưa kể đến ý kiến tranh luận.

Đại biểu Quốc hội đề xuất phương án mới rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Đại biểu Quốc hội đề xuất phương án mới rút bảo hiểm xã hội 1 lần

VOV.VN - Cho rằng 2 phương án về rút BHXH 1 lần vừa được trình Quốc hội chưa tối ưu, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất tích hợp 2 phương án để hình thành phương án mới khả thi và phù hợp hơn.

Đại biểu Quốc hội đề xuất phương án mới rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Đại biểu Quốc hội đề xuất phương án mới rút bảo hiểm xã hội 1 lần

VOV.VN - Cho rằng 2 phương án về rút BHXH 1 lần vừa được trình Quốc hội chưa tối ưu, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất tích hợp 2 phương án để hình thành phương án mới khả thi và phù hợp hơn.

Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam

VOV.VN - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030.

Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam

VOV.VN - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030.

Dự báo rút Bảo hiểm xã hội 1 lần ở TP.HCM sẽ tiếp tục tăng
Dự báo rút Bảo hiểm xã hội 1 lần ở TP.HCM sẽ tiếp tục tăng

VOV.VN - Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, lao động rút bảo hiểm một lần (BHXH) dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong năm năm 2024, do một số ngành sản xuất khó khăn đơn hàng, nhiều người mất việc.

Dự báo rút Bảo hiểm xã hội 1 lần ở TP.HCM sẽ tiếp tục tăng

Dự báo rút Bảo hiểm xã hội 1 lần ở TP.HCM sẽ tiếp tục tăng

VOV.VN - Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, lao động rút bảo hiểm một lần (BHXH) dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong năm năm 2024, do một số ngành sản xuất khó khăn đơn hàng, nhiều người mất việc.