“Không cải thiện chế biến, câu chuyện được mùa mất giá luôn xảy ra”
VOV.VN - Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu không tập trung cải thiện khâu chế biến, không thể dập được tình trạng “hôm nay được, mai mất”
Sáng 6/11, trong phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) đặt câu hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì về phục hồi hay chuyển đổi cây trồng vật nuôi để tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Bởi hiện nay, cây tiêu ở Tây Nguyên mất cả mùa cả giá, cây cà phê mất giá kéo dài, hiện chỉ còn 40.000 đồng/kg?
Đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông). |
Trả lời chất vấn của đại biểu Ngô Thanh Danh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, những năm gần đây, Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp. Về tổng quan, sức sản xuất lớn, tuy nhiên hiện nay khâu chế biến và tổ chức thương mại đang có nhiều bất cập.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới nếu không tập trung cải thiện khâu chế biến thì không thể dập được tình trạng “hôm nay được, mai mất”. “Nền kinh tế thị trường cũng rất khó, không ai dự báo được mai, ngày kia như thế nào. Giá vàng, giá dầu hỏa còn biến động. Vì vậy, phải trên một cục diện chung để định hướng.”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. |
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ở Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 cây công nghiệp nhưng những giai đoạn trước phát triển quá nóng. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm 60% sản lượng của thế giới, mà chỉ phát triển trong vòng 7 năm, là quá thừa. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới Bộ và các ngành sẽ tập trung chế biến. Bởi nếu không đi vào chế biến thì câu chuyện thừa, thiếu, được mùa mất giá vẫn liên tục xảy ra. Bên cạnh đó, tổng rà soát lại, nhằm phát triển các ngành lợi thế.
“Cây tiêu chỉ dừng ở mức độ nào, chứ không thể đến mức 150.000 ha, bởi theo quy hoạch đến năm 2020 chỉ có 55.000 ha. Những diện tích không hiệu quả, kém canh tác phải giảm, nhường chỗ cho cây chủ lực khác”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.
Đồng thời, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung kêu gọi các doanh nghiệp vào liên kết chặt chẽ, tổ chức chế biến. “Riêng ngành hồ tiêu sẽ ra 10 chuỗi sản phẩm. Phối hợp với các ngành bàn quyết liệt, cố gắng không riêng cây tiêu, cây công nghiệp mà các cây khác sẽ đi sâu vào chế biến và tổ chức thị trường”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói./.