Không thay cơ chế trách nhiệm thì bao nhiêu phó cũng không đủ
VOV.VN - Xảy ra vụ việc dù có Phó phụ trách thì ông Trưởng vẫn chịu trách nhiệm, không có chuyện Phó là một cấp.
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vào đầu tuần tới. Một trong những nội dung rất quan trọng được các đại biểu Quốc hội quan tâm chính là việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền được thể hiện như thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn Đại biểu Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh khóa XIII; Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; Thành viên Hội đồng lý luận Trung ương Đảng; Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch |
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về phân cấp, phân quyền được thể hiện trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương?
ĐB Trần Du Lịch: So với dự thảo trình ở Kỳ họp thứ 8 và Hội nghị đại biểu chuyên trách, dự luật Tổ chức chính quyền địa phương trình Quốc hội xem xét thông qua lần này cho thấy Chính phủ, ban soạn thảo đã cụ thể tương đối nhiều vấn đề.
Việc chế định rõ mô hình tổ chức từng loại chính quyền; đưa một số điều khoản quy định có cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền, tôi cho là điểm tiến bộ. Tuy nhiên yêu cầu làm rõ để giải quyết tình hình hiện nay là minh bạch quyền và trách nhiệm từng cấp chính quyền thì chưa đạt. Trong dự thảo mới nêu sẽ quy định ở luật chuyên ngành.
Chính quyền cấp xã, thị trấn tới quận, huyện, tỉnh, thành hiện đều có câu giống nhau về quyền và nhiệm vụ là “tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn”. Như vậy ông xã thi hành khác ông tỉnh chỗ nào? Chính phủ thi hành ra sao? Luật cụ thể hơn để khi đọc thì chính quyền các cấp biết quyền của mình theo luật định. Điều này chưa rõ và đây là vướng mắc rất lớn trong quản lý Nhà nước, dẫn tới sự chồng chéo về công vụ và tình trạng quá tải ở cấp cơ sở.
Cấp xã nói rằng mình giống như cái máng xối, bên trên như mái nhà, mọi thứ đổ lên họ. Chính vì vậy ta phình bộ máy kiểu gì cũng không làm được. Do đó cần phải làm rõ những nét cơ bản về quyền và trách nhiệm của cấp xã khác cấp huyện, cấp tỉnh, Chính phủ.
PV: Có ý kiến cho rằng hiện Trung ương làm quá nhiều việc mà đáng lẽ những việc đó nên giao cho địa phương tự quyết, tự chịu trách nhiệm?
ĐB Trần Du Lịch: Địa phương họ cũng nặng việc lắm. Vấn đề ở đây là chưa minh bạch giữa Trung ương và địa phương, để địa phương thấy rằng cái này là quyền và trách nhiệm của mình thì phải lo. Chúng ta cứ lồng ghép về trách nhiệm mà gọi chung là quản lý Nhà nước, cũng giống như ngân sách lồng ghép giữa Trung ương và địa phương. Đây là cốt tử của vấn đề.
Tôi muốn minh bạch từ ngân sách cho đến quyền hạn, trách nhiệm. Nôm na cái gì là ủy quyền, cái gì là phân quyền, cái gì là phân cấp. Vì 3 cái này khác nhau, gắn với ngân sách, chế độ trách nhiệm. Làm rõ để khi một vấn đề xảy ra ở địa phương, đại biểu biết cái này nên chất vấn ông Chủ tịch tỉnh hay chất vấn ông Bộ trưởng.
PV: Ông từng bày tỏ quan điểm cho rằng chúng ta đã có những đột phá về thể chế kinh tế qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì cũng nên có bước cải cách mạnh hơn trong tổ chức bộ máy qua những luật này?
ĐB Trần Du Lịch: Tôi rất thông cảm với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trong điều kiện hiện nay thì một số vấn đề tôi và một số đại biểu nêu ra chưa thực thi được mà còn phải tiếp tục nghiên cứu.
Cái mà chúng tôi muốn đề nghị là phải cải cách trong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương trên một số lĩnh vực và cả tài chính công, cụ thể là Luật Ngân sách Nhà nước. Quyền và trách nhiệm phải rõ ràng để khi đọc luật người ta biết cái nào là chính phủ, cái nào là địa phương. Từ cái đó minh định được ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, minh định được nhiều vấn đề khác, là cơ sở cải cách hành chính.
Tôi muốn nói một điều: Chúng ta cần một nền hành chính thống nhất nhưng hiện nay quản lý theo kiểu đồng nhất. Thống nhất phải là những nguyên tắc, còn mô hình tổ chức tùy thuộc vào đặc điểm nông thôn, thành thị, quy mô. Một tỉnh 3 triệu dân, mấy chục ngàn hecta khác tỉnh 1 triệu hay chỉ có mấy trăm ha. Nhưng hiện tại khi tỉnh này có sở này ngành kia thì địa phương khác cũng y như vậy.
Khi tổ chức mô hình quản lý mà đồng nhất, không tính đặc điểm cũng giống như một loại lưới muốn bắt mọi loại cá. Đây là vấn đề cần xem xét và chúng ta hoàn toàn có thể làm được.
PV: Quy định số lượng cấp phó đang nhận được sự đồng thuận cao. Nhưng vấn đề đặt ra là phải nâng trách nhiệm người đứng đầu, đừng biến phó thành một cấp, thưa ông?
ĐB Trần Du Lịch: Trong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương tôi đề nghị bổ sung thêm điều này. Ví dụ Sở là quản lý Nhà nước chứ không phải chỉ làm tham mưu cho UBND. Tất cả trách nhiệm quản lý về tài nguyên- môi trường là Giám đốc Sở TN-MT. Nâng trách nhiệm thì ông Sở không đẩy việc lên UBND và không có chuyện ông Phó Chủ tịch tỉnh biến thành một cấp. Cũng như Cục chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước chứ ông lại tham mưu cho Thứ trưởng phụ trách mảng đó để xem tới xem lui thì Thứ trưởng thành một cấp.
Đây là quan điểm về mặt tổ chức. Trách nhiệm phải thuộc về người đứng đầu. Xảy ra vụ việc dù có ông Phó phụ trách thì ông Trưởng vẫn phải chịu, hay ở Bộ là Bộ trưởng chịu trách nhiệm. Không có chuyện nói tôi không biết. Còn cứ để như hiện nay thì bao nhiêu phó cũng không đủ.
Dự luật quy định khung số lượng phó để hạn chế bớt nhưng muốn bớt nữa thì là phải thay cơ chế trách nhiệm.
PV: Xin cảm ơn ông./.