Kiên quyết xử lý việc lợi dụng chính sách đánh bắt xa bờ để trục lợi

VOV.VN - Nếu các tỉnh phát hiện Chi cục Thủy sản nào câu kết với ngư dân trục lợi chính sách đánh bắt xa bờ thì phải kiên quyết xử lý.

Sáng 6/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) nêu vấn đề, thời gian qua thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ đã tạo điều kiện phát triển mạnh đội tàu đánh bắt có công suất lớn, chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ cũng mang lại hiệu quả nhất định. 

Đại biểu Phan Thái Bình.

Tuy nhiên, đến nay có 55 tàu, trong đó có đến 36 tàu vỏ thép dừng hoạt động, nhiều tàu không duy tu, bảo dưỡng, không thực hiện đăng kiểm trở lại khi hết thời hạn theo quy định, nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng. Đồng thời, thời gian qua cũng đã xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ để trục lợi. 

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng trên? Giải pháp nào để các tàu cá không tiếp tục dừng hoạt động và các ngân hàng có thể thu hồi được nợ? Giải pháp nào để chấn chỉnh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi?” – đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 67 Chính phủ ban hành năm 2014 trong bối cảnh Việt Nam rất cần ngư dân vươn ra các ngư trường xa để đảm bảo phát triển kinh tế cùng với đảm bảo an ninh quốc phòng của quốc gia.  

“Chúng ta đã phát triển được 1.030 phương tiện, với công suất lớn từ 800 mã lực trở lên với 3 loại vật liệu: sắt, Composite và gỗ. Riêng tàu sắt, thì đây là loại hình đóng mới. Hiện nay có 358 chiếc, tương đương với 34,2%” - ông Cường cho hay.

Bộ trưởng đánh giá loại hình tàu sắt là phương tiện mới, quá trình đóng đã xảy ra 40 tàu bị hỏng hóc, trong đó có 21 chiếc của Bình Định của 2 công ty đóng tàu thì tỉnh phải đặc biệt vào cuộc. 

Hiện nay, còn 55 chiếc tàu đóng mới nằm bờ nhưng không ra khơi được do nhiều nguyên nhân như: đánh bắt không hiệu quả, chủ tàu chết, một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động, hay chủ tàu không tích cực tham gia. Các chủ tàu đến kì bảo dưỡng nhưng không đem đi bảo dưỡng.

“Trước tình hình này, chúng tôi đã tham mưu, Thủ tướng đã có nhiều quyết sách.Tiềm năng ngư trường chúng ta không khuyến khích nhiều nữa, phương án hỗ trợ tín dụng 11 năm không còn phù hợp”, ông Cường nói và cho biết Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành Nghị định 17, ai có đủ điều kiện ra khơi, có năng lực, tiềm lực, kinh nghiệm thì đóng tàu và Nhà nước hỗ trợ một lần với mức hỗ trợ tối đa 35 %.

Từ năm 2018, chúng ta chuyển hẳn sang dạng này, đến nay, đã có 30/40 tàu  đóng xong, đi vào hoạt động và không xảy ra vấn đề gì. 

Cung cấp thêm thông tin về tình trạng lợi dụng chính sách đánh bắt xa bờ để trục lợi, đại biểu Phan Thái Bình cho biết, một số ngư dân cấu kết với một số thành phần tháo phá kẹp chì của thiết bị định vị. Tức là một tàu ra khơi nhưng mang theo rất nhiều thiết bị định vị, chở ra vùng biển được hỗ trợ dầu sau đó mang về để thanh quyết toán. Nhiều tỉnh đã khởi tố vụ án về tội lừa đảo. 

Theo đại biểu, ở đây không loại trừ sự liên đới chịu trách nhiệm và thông đồng giữa Chi cục Thủy sản ở các địa phương với các đối tượng vì để thanh quyết toán được thì không thể một bên ngư dân có thể làm được.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp chấn chỉnh tình trạng này và sắp tới xử lý ra sao?” – đại biểu đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn.

Ghi nhận ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần phải đề phòng việc trục lợi chính sách. Vì Nghị định 67 của Chính phủ khuyến khích hỗ trợ ngư dân, nhất là hậu cần để tham gia tuyến biển khơi, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ tham gia an ninh chủ quyền. Mỗi chuyến ra khơi, ngư dân thu được 40 triệu – 60 triệu đồng tùy từng dạng tàu, nếu không cẩn thận thì dễ bị trục lợi. 

Về giải pháp sắp tới, theo Bộ trưởng NN&PTNT, phải thực hiện ngay Luật Thủy sản. Theo đó, ngư dân phải đăng ký thiết bị định vị hành trình để đi đến đâu đều bị theo dõi, còn nếu không lắp định vị sẽ không được cấp phép ra khơi.

"Về giải pháp quản lý Nhà nước, phải áp dụng đồng bộ, mạnh tay, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ" -  ông Cường nói và nhấn mạnh cần rà soát lại các khâu, đề nghị các tỉnh nếu phát hiện Chi cục Thủy sản nào câu kết với ngư dân trục lợi chính sách phải kiên quyết xử lý.

Cùng trả lời về vấn đề đại biểu nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết trong thời gian vừa qua, đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước và nợ lãi sau, thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu.

Tuy nhiên, trước tình hình nợ xấu còn phát sinh, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Thủ tướng đề nghị Ủy ban các tỉnh, thành phố rà soát lại những trường hợp. Cụ thể, với trường hợp bất khả kháng, tiếp tục hỗ trợ để cơ cấu lại nợ; đối với trường hợp chây ì, tiến hành thu hồi nợ.

“Chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Đặc biệt có giải pháp xử lý chênh lệch giữa giá trị thực tế của tàu được định giá lại và dư nợ của tàu cũ ở thời điểm bàn giao” - ông Hưng nói./.

Đã khởi tố vụ án sai phạm trong công tác đóng tàu cá theo Nghị định 67: Trong phiên chất vấn ngày 6/11, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công an là vì sao các hành vi phạm tội trong lĩnh vực đóng tàu cho ngư dân chưa bị khởi tố, điều tra, xử lý. Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án ngày 16/8/2018. Quá tình điều tra, đến 9/1/2019, cơ quan an ninh điều tra có kết luận số 3 kết luận điều tra vụ án hình sự, đề nghị truy tố. “Hiện vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử” – Đại tướng Tô Lâm thông tin trước Quốc hội
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng 3 lần trong 3 năm qua
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng 3 lần trong 3 năm qua

VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn của Việt Nam đã tập trung chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp trong 3 năm qua.

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng 3 lần trong 3 năm qua

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng 3 lần trong 3 năm qua

VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn của Việt Nam đã tập trung chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp trong 3 năm qua.

Đại biểu Quốc hội: Chất vấn các Bộ trưởng thực hiện lời hứa đến cùng
Đại biểu Quốc hội: Chất vấn các Bộ trưởng thực hiện lời hứa đến cùng

VOV.VN - ĐBQH cho rằng, tại các kỳ họp trước, nhiều vấn đề đã được các Bộ trưởng trả lời chất vấn, hứa giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện thành công. 

Đại biểu Quốc hội: Chất vấn các Bộ trưởng thực hiện lời hứa đến cùng

Đại biểu Quốc hội: Chất vấn các Bộ trưởng thực hiện lời hứa đến cùng

VOV.VN - ĐBQH cho rằng, tại các kỳ họp trước, nhiều vấn đề đã được các Bộ trưởng trả lời chất vấn, hứa giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện thành công. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn

VOV.VN - Bộ trưởng Nông nghiệp trả lời về xây dựng nông thôn mới, sản xuất gắn với thị trường, ứng dụng khoa học vào nông nghiệp...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn

VOV.VN - Bộ trưởng Nông nghiệp trả lời về xây dựng nông thôn mới, sản xuất gắn với thị trường, ứng dụng khoa học vào nông nghiệp...