Kinh tế Việt Nam nếu nỗ lực vẫn có thể đạt tăng trưởng 5,2% trong năm nay
VOV.VN -Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh điều này trên diễn đàn Quốc hội chiều nay (15/6).
Chiều 15/6, phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định, vừa qua Việt Nam trở thành hình mẫu đi đầu trong phòng chống dịch.
Về kinh tế, trong khi nhiều nền kinh tế lớn đang tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn nổi lên là nước dẫn đầu về tốc độ phát triển kinh tế. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã có nghiên cứu công bố và dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt 4,8%, nếu nỗ lực Việt Nam có thể đạt 5,2% như mục tiêu Chính phủ đề ra.
Đại biểu Hoàng Văn Cường. (ảnh: Quochoi.vn) |
Để biến cơ hội trên thành hiện thực, Phó Hiệu trưởng trường ĐH kinh tế Quốc dân cho rằng, phải có các giải pháp đặc biệt để biến các nhà đầu tư nước ngoài thành trụ cột cho các ngành sản xuất trong nước. Thủ tướng đã thành lập tổ công tác đặc biệt để chủ động tìm kiếm những nhà đầu tư là mục tiêu cần thu hút để nắm bắt yêu cầu, đánh giá những điều kiện đáp ứng. Chính phủ cần lựa chọn và hỗ trợ một số doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực để tiếp nhận, sở hữu toàn bộ hoặc một phần công đoạn sản xuất, để biến các nhà đầu tư nước ngoài thành một phần của các tập đoàn trong nước.
Ví dụ, nếu có một cơ chế phù hợp để dành toàn bộ thị phần ngành công nghiệp đường sắt và những chính sách ưu đãi phù hợp thì chúng ta có thể thu hút được các tập đoàn nước ngoài bắt tay với các doanh nghiệp trong nước để hình thành công nghiệp đường sắt trong nước. Việc này hiệu quả hơn nhiều lần so với việc chúng ta đi vay tiền, rồi thuê các nhà thầu nước ngoài xây dựng các dự án đường sắt và nhập các đoàn tàu riêng lẻ.
"Nhiều ngành công nghiệp khác ở các nước cũng đang muốn chuyển giao cho nước thứ 3, trong khi nước ta đang rất cần" - đại biểu đoàn Hà Nội cho biết.
Đại biểu Hoàng Văn Cường góp ý giải pháp tăng cường tiềm lực về nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong nước từ nguồn vốn vay quốc tế. Một số ngành trước đây Quốc hội tranh luận về việc chuyển đổi một số dự án đầu tư PPP sang đầu tư công vì ngân hàng không đủ vốn tài trợ cho doanh nghiệp, trong khi nguồn vốn quốc tế đang sẵn có với lãi suất rất thấp. Do đó, cần có cơ chế để ngân hàng thương mại vay vốn quốc tế về cho doanh nghiệp trong nước vay lại theo công thức tự vay, tự trả.
Để tạo bước phát triển đột phá, theo ông Cường, cần phải thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, trước hết là đổi mới, sáng tạo trong quản lý. Phải thay thế cơ chế đánh giá dựa trên sự tuân thủ quy trình, quy định sang cơ chế đánh giá dựa vào kết quả, đầu ra. Đổi mới sáng tạo trong kinh tế có nghĩa là phải tìm ra cách giải quyết vấn đề khác với thông lệ để được kết quả nhanh hơn, hiệu quả cao hơn.
"Phải xác lập cơ chế để các quyết định không tuân thủ quy trình, quy định nhưng mang lại kết quả, hiệu quả cao thì sẽ được ghi nhận, được đánh giá cao. Ngược lại nếu chỉ tuân thủ quy trình, quy định mà kết quả không cao thì sẽ không được coi là hoàn thành nhiệm vụ. Quan điểm này cần phải trở thành chủ trương của Đảng để có cơ sở thể chế hóa thành các tiêu chuẩn đánh giá kết quả và hiệu quả quản lý thì mới có thể tạo ra đột phá cho phát triển" - ông Cường nói.
Cần những ưu đãi mới trong lĩnh vực đầu tư
Đề xuất một số giải pháp để góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho biết, nhiều nhà đầu tư coi Việt Nam là điểm đến an toàn, vì vậy đất nước có cơ hội và nhiều lợi thế đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19. Đại biểu đề nghị nhân cơ hội này, cần có hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp với các tập đoàn toàn cầu, có tiềm lực về tài chính và công nghệ đang quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định). |
Nữ đại biểu cho rằng, cần có những ưu đãi mới trong lĩnh vực đầu tư mang tính cạnh tranh so với các quốc gia khác. Cần mạnh dạn xem xét linh hoạt, phát huy tối đa sự phân cấp và ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ở mức cao hơn, để Thủ tướng có thể chủ động các phương án đàm phán với các nhà đầu tư. Đi kèm với những đột phá này là trách nhiệm giải trình của Thủ tướng trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là về đầu tư công, đất đai, quy hoạch; đề xuất sửa đổi luật theo thủ tục rút gọn, kết hợp thảo luận bằng hình thức trực tuyến.