Kỳ họp thứ 6 QH khóa XIV: Cử tri thấy “hình bóng” mình qua phiên chất vấn
VOV.VN - Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, cử tri đã thấy "hình bóng" của mình qua các phiên chất vấn tại Kỳ họp lần này.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa bế mạc sáng nay, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ hài lòng về kết quả của kỳ họp lần này.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV thành công tốt đẹp. |
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện - cho biết, đổi mới hoạt động của Quốc hội đã nằm trong chủ trương chung, ngày càng được mở rộng dân chủ và công khai để cho người dân có thể tiếp cận được với những đại biểu dân cử do mình bầu ra thể hiện nguyện vọng ý chí của mình.
Thời gian vừa qua, đổi mới lớn nhất của Quốc hội là chất vấn, thời gian hỏi và trả lời ngắn gọn để đảm bảo cho nhiều vấn đề cùng được nêu ra. Đặc biệt, đây là phiên chất vấn giữa kỳ của cả nhiệm kỳ cho nên tất cả các trưởng ngành, các thành viên chính phủ đều trở thành đối tượng bị chất vấn. Ở đây thể hiện sự bao quát tất cả các vấn đề mà cử tri gửi gắm suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều được giải đáp trong những phiên chất vấn đó. Không phụ lòng mong mỏi của cử tri, tất cả các vấn đề xã hội quan tâm, từ vĩ mô đến những sự việc đang ảnh hưởng đến đời sống của người dân đều được đưa ra chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đánh giá.
Bà Hải cho hay, qua đánh giá của cử tri, cơ quan dân nguyện là nơi tập hợp tất cả những kiến nghị của cử tri, thì trong tất cả thời gian các phiên chất vấn cũng như thời gian trước và sau chất vấn đều được cử tri đánh giá cao về sự đổi mới này. Bởi cử tri đã thấy "hình bóng" của mình qua các phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội.
"Cử tri cảm thấy phấn khởi, từ đây tác động rất tốt đến sự phát triển chung của xã hội. Chúng ta không nên nhìn nhận chất vấn chỉ là các đối tượng hỏi, các đối tượng giám sát và trả lời, mà qua câu trả lời đó cử tri cũng sẽ thấu hiểu thêm những khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề chất vấn. Có thể những vướng mắc nằm ở hành lang pháp lý, sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau…chứ cũng không hẳn do nguyên nhân chủ quan", bà Hải nêu rõ.
Về nội dung chất vấn, tại kỳ họp thứ 6, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhận định, các vị trưởng ngành đều trả lời các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã nêu ra. Việc trao đổi giữa các đại biểu Quốc hội với nhau sẽ làm sâu sắc thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội trao đổi. Có thể đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi với vị bộ trưởng, thì một đại biểu khác đại diện cho cử tri của những vùng khác cũng có vấn đề tương tự lại tiếp tục cùng trao đổi với đại biểu Quốc hội đó để làm sâu sắc thêm vấn đề mà đại biểu Quốc hội và rộng hơn nữa là cử tri đang đề cập đến. Qua đó, có nhiều tác dụng tích cực, làm cho vấn đề được làm rõ hơn.
Cũng đề cao tinh thần đổi mới của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai, cho rằng, chất vấn đổi mới chất lượng, toàn diện và cởi mở.
Theo ông Vượt, điểm nhấn thành công trong kỳ họp này đó là lấy phiếu tín nhiệm các vị do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, và các phiên chất vấn dân chủ, tranh luận sôi nổi trong Nghị trường."Chất vấn có những đổi mới sâu sắc tôi nghĩ rằng cần phải phát huy: Hỏi 1 phút và trả lời 3 phút, buộc người hỏi phải chắt lọc, người trả lời cũng phải chắt lọc ý kiến trả lời sát, đúng và đặc biệt là giải pháp thực hiện trong thời gian tới như thế nào. Kỳ chất vấn lần này cũng không khoanh từng nhóm vấn đề và nhóm các Bộ trưởng để các Bộ trưởng có điều kiện chuẩn bị. Đợt này đại biểu phát huy quyền của mình hỏi bất kỳ Bộ trưởng nào và tất cả Bộ trưởng đều phải có trách nhiệm trả lời các đại biểu Quốc hội. Như thế cũng đánh giá được khả năng và nắm bắt tình hình chung của các ngành, lĩnh vực mình phụ trách", ông Vượt nêu rõ.
Chất lượng kỳ họp đã nâng lên
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đánh giá cao chất lượng của Kỳ họp lần này. Quốc hội đã có bước chuyển biến cải tiến để chương trình kỳ họp có sự sôi động, hiệu quả, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước.
Cụ thể, theo ông Khuê, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đã có sự cải tiến. Kỳ chất vấn lần này gần như một phạm trù mở, rộng, có nhiều vấn đề. Đây có thể xem như là cuộc sát hạch lại các thành viên Chính phủ với trọng trách cả nước về những chuyên ngành mà mình đang quản lý, vừa thể hiện vai trò của tư lệnh ngành đồng thời là trách nhiệm với cử tri cả nước.
Các vị Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ ở trong trạng thái không biết lúc nào đại biểu sẽ đặt vấn đề với mình. Do có sự mở rộng như vậy nên các Bộ trưởng không có sự chuẩn bị trước. Qua đó cử tri có thể nhìn nhận một cách tận tâm về mức độ, trách nhiệm và sự thể hiện vai trò vị thủ lĩnh tư lệnh tại lĩnh vực được giao, ông Khuê nhìn nhận.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê lưu ý: "Với vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, nếu ở từng kỳ họp có thể xem xét chọn lựa vấn đề cấp thiết thì tôi nghĩ rằng vai trò và năng lực của các thành viên chính phủ được quốc hội bầu sẽ được nâng cao hơn. Đó là một sự đo lường để có sự đánh giá lại các thành viên Chính phủ có quán triệt và thực hiện đúng với phương châm và mục tiêu Chính phủ đặt ra hay không. Như vậy đòi hỏi bộ máy Nhà nước phải bắt nhịp kịp với xu thế phát triển nhưng những chính sách tham mưu tư vấn đặt ra phải đi sát, bắt được hơi thở cuộc sống và là những điều cử tri quan tâm"./.