Minh bạch thông tin: Nhu cầu thiết yếu của người dân
VOV.VN - Cần làm rõ những vấn đề về chủ thể tiếp cận thông tin, trách nhiệm của các chủ thể cung cấp thông tin và trách nhiệm xử lý các thông tin không chính xác.
Tiếp cận thông tin, một trong những quyền cơ bản của con người đã được hiến định. Việc thông qua Luật tiếp cận thông tin là điều cần thiết và là một bước cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin của công dân theo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013. Tuy nhiên cũng cần phải làm rõ những vấn đề về chủ thể tiếp cận thông tin, trách nhiệm của các chủ thể cung cấp thông tin và trách nhiệm xử lý các thông tin không chính xác.
Quyền thông tin bao hàm cả quyền tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin. Quyền này đã được quy định trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị. Vậy tiếp cận thông tin là gì? Tiếp cận thông tin có nghĩa là từng bước, bằng những phương pháp nhất định, tìm hiểu về một vấn đề, công việc nào đó. Việc tiếp cận chỉ nằm ở phương diện hướng chủ thể đạt đến mục đích thu thập thông tin mà hoàn toàn không đề cập đến vấn đề sử dụng thông tin. Tức là vấn đề tiếp cận thông tin không bao hàm nội dung phổ biến thông tin.
Tiếp cận thông tin, một trong những quyền cơ bản của con người đã được hiến định. Ảnh minh họa: KT |
Hiện nay, vai trò của thông tin có tầm quan trọng đặc biệt. Có những thông tin mang tính chất của một thứ hàng hóa đặc biệt siêu lợi nhuận. Việc “mua, bán” thông tin đang trở thành một xu thế có thực trong đời sống hiện đại. Bởi vậy, việc công khai, minh bạch thông tin là nhu cầu chính đáng, cấp thiết của người dân. Tuy nhiên, việc công khai thông tin theo quy trình, thủ tục về cung cấp thông tin theo yêu cầu tại các cơ quan nhà nước còn nhiều bất cập.
Cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và do mình đang nắm giữ, có như vậy mới tạo thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin và mới làm tròn trách nhiệm của mình đối với công dân. Nhiều văn bản do Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành, nếu không được cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện cung cấp thì làm sao người dân tiếp cận được thông tin. Đoàn đại biểu Quốc hội mà không cung cấp những thông tin mình có được do các cơ quan nhà nước cung cấp (trừ những thông tin mật) để cung cấp cho cử tri, cho người dân, thì làm sao thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được.
Thực tế cuộc sống cho thấy có một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng vị trí đặc quyền nắm giữ thông tin để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, thông tin không được cung cấp chính thống, chính xác, kịp thời sẽ tạo cơ hội lan truyền những thông tin sai sự thật, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến trật tự và ổn định xã hội.
Một điểm nữa cũng cần phải làm rõ trong Dự thảo luật, đó là cần quy định cụ thể các cấp độ “Mật” để tránh việc một số chủ thể lấy lý do bảo vệ bí mật nhằm từ chối cung cấp thông tin. Vấn đề “bí mật nhà nước” hiện vẫn còn nhiều nội dung chưa cụ thể, thiếu thống nhất về độ “Mật” nên hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân. Tài liệu “Mật” phụ thuộc vào chủ thể ban hành hay phụ thuộc vào nội dung thông tin. Cần có thêm những quy định cơ bản về vấn đề này vào dự luật để tránh tình trạng chủ thể ban hành tài liệu lợi dụng việc quy định về độ “Mật” để gây cản trở quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Trong thực tế, đã có những trường hợp giấy mời họp báo cũng tiện tay đóng dấu “Mật”, hay các văn bản trả lời của các cơ quan chức năng cho đại biểu Quốc hội để trả lời cho cử tri cũng đóng dấu “Mật”. Không biết nhận được những văn bản như vậy thì đại biểu Quốc hội sẽ phải ăn nói như thế nào với cử tri! Thông báo cho cử tri thì phạm luật, mà không thông báo thì không làm tròn trách nhiệm của người đại biểu dân cử.
Về chủ thể cung cấp thông tin: Dự luật quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân chỉ trong phạm vi thông tin của nhà nước, thông tin công quyền, nếu vậy, sẽ rất hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của công dân. Cần phải xem lại vấn đề này, quy định như vậy đã thực sự hợp lý chưa? Quyền tiếp cận thông tin của công dân có bị hạn chế không? Bởi vì những thông tin do các cơ quan, tổ chức nắm giữ có tác động đến đời sống của người dân và người dân có quyền được biết. Do đó cần phải mở rộng thêm chủ thể cung cấp thông tin.
Cụ thể là các chủ thể cung cấp thông tin cho Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, thì ngoài Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, còn có các Bộ, ngành, địa phương. Thực tế, Đoàn đại biểu Quốc hội, ngoài những thông tin được cung cấp bởi các cơ quan của Quốc hội, còn nhận được rất nhiều thông tin do các Bộ, ngành và địa phương cung cấp, trong đó có rất nhiều thông tin liên quan đến đời sống xã hội, quyền và lợi ích của công dân.
Và cuối cùng, trách nhiệm xử lý thông tin không chính thức, không chính xác như thế nào? Trong trường hợp phát hiện thông tin không chính thức, không chính xác, không đầy đủ, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thức. Vấn đề đặt ra như thế nào được cho là “thông tin không chính thức”? Căn cứ vào đâu để xác định? Căn cứ vào chủ thể cung cấp hay căn cứ vào hình thức cung cấp hoặc còn căn cứ nào khác? Thông tin không chính thức nhưng có độ chính xác về thông tin thì sao? Có bị coi là vi phạm không?
Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin: Cái gì cấm thì nói rõ luôn đi!
Ngoài những thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và cung cấp công khai còn có những dạng thông tin đăng trên báo, trên các trang mạng, tờ rơi... Những thông tin này có được xem là những thông tin chính thức hay không? Nếu những thông tin này được cho là thông tin không chính thức thì có xử lý không và xử lý như thế nào? Cần tách dạng thông tin không chính thức thành quy định riêng, không gắn với thông tin không chính xác để có hình thức xử lý khác nhau.
Mặt khác, đề nghị cần phải có hình thức xử lý mạnh mẽ, nghiêm khắc về những dạng thông tin không chính xác, hành vi cố tình thông tin không chính xác nhất là những thông tin như vậy trên mạng. Dự luật mới chỉ quy định xử lý hai đối tượng là cá nhân cung cấp thông tin và người yêu cầu cung cấp thông tin mà vẫn thiếu một đối tượng, đó là người sử dụng thông tin.
Trên đây là một vài đóng góp với Dự thảo Luật tiếp cập thông tin, hy vọng Ban soạn thảo lưu ý để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua, đảm bảo cho người dân được hưởng đầy đủ một trong những quyền căn bản nhất của con người./.