Mô hình của chính quyền địa phương phải tinh gọn
(VOV) -Mô hình của chính quyền địa phương phải điều hành xã hội và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Theo Điều 115, các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện và thị xã; Huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường, xã; quận chia thành phường. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính ở hải đảo do luật định.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng - đoàn Bình Phước |
Điều 115a quy định, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên.
Điều 115b quy định, căn cứ vào Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách; về quốc phòng, an ninh ở địa phương; về biện pháp ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, làm tròn nghĩa vụ đối với cả nước.
Tuy nhiên, nghiên cứu mô hình của chính quyền địa phương phải đảm bảo hoạt động có hiệu quả, gọn nhẹ, phục vụ cuộc sống của nhân dân ngày một tốt hơn là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước), thực tiễn đang đặt ra cho chúng ta rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu về mô hình chính quyền địa phương, nhằm xây dựng một mô hình của chính quyền địa phương tinh gọn, có hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành xã hội và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho rằng, nếu theo phương án 1 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thiết kế mô hình chính quyền địa phương bằng Điều 115a, 115b thì quá chung chung. Vì toàn bộ việc thành lập quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương đều giao cho luật định. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho việc kéo dài thí điểm, thiếu tính ổn định, tính pháp lý không tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề.
Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng, thiết kế bộ máy chính quyền địa phương là vấn đề hệ trọng, cần được hiến định, thể hiện tính pháp lý cao, thống nhất, ổn định, không nên để luật định. Nếu theo phương án 2 của dự thảo cơ bản không có gì thay đổi so với Hiến pháp 1992, không đáp ứng được những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Thành (đoàn Gia Lai) đề nghị: Mô hình của chính quyền địa phương là vấn đề hệ trọng và cần được hiến định. Vì vậy phải quy định cụ thể hơn về chính quyền địa phương, xác định địa vị pháp lý và nguyên tắc tổ chức theo hướng phù hợp với đặc thù của từng vùng miền: nông thôn, thành thị, đồng bằng, miền núi, hải đảo. Nếu như quy định được thì đề nghị giữ nguyên như Hiến pháp 1992.
Đại biểu Bùi Việt Phương (đoàn Ninh Bình) đề nghị chọn phương án 2 giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành. Bởi lẽ hiện nay, chúng ta chưa có đầy đủ cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn để việc sửa đổi Chương chính quyền địa phương như Phương án 1 ghi trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.