Mỗi năm, Bộ LĐTB&XH tiếp khoảng 1.000 lượt công dân khiếu nại, tố cáo
VOV.VN - Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, Bộ LĐ-TB&XH cần khắc phục hạn chế trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thực hiện chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ quốc hội, hôm nay (23/8), tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc. |
Báo cáo về kết quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định, hàng năm, Bộ đã xây dựng lịch tiếp công dân định kỳ của Bộ trưởng, niêm yết công khai tại địa điểm tiếp công dân và công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ để các tổ chức và công dân được biết.
Trung bình mỗi năm, Bộ tiếp khoảng 1.000 lượt công dân. Hầu hết công dân đến Bộ đều thực hiện quyền trực tiếp không qua luật sư. Vì vậy, rất ít trường hợp công dân ủy quyền cho luật sư thực hiện việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng phối hợp tốt với Thanh tra Chính phủ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan ban ngành trong việc tiếp nhận và xử lý đơn của công dân.
Công dân đến Bộ trình bày chủ yếu về lĩnh vực người có công (chiếm tỷ lệ 70,6%), lĩnh vực bảo hiểm xã hội (chiếm tỷ lệ 17,5%), các lĩnh vực khác (chiếm tỷ lệ 11,9%).
Các đoàn đông người đến khiếu nại, tố cáo, đều được Lãnh đạo Bộ hoặc Lãnh đạo Thanh tra Bộ tiếp, giải thích và nhận đơn để trả lời hoặc hướng dẫn bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ được giao quản lý nhà nước về 14 lĩnh vực, chủ yếu liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân như: Người có công, việc làm, bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề, trẻ em….. Những chính sách của ngành ban hành liên quan đến công ăn việc làm, đời sống, thu nhập của người dân.
Thời gian qua, ngành tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân như vấn đề người có công, giáo dục nghề nghiệp, đi liền với đó là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin...
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc tiếp nhận và xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thời gian qua. Nhiều vụ việc được Bộ giải quyết dứt điểm.
Tuy nhiên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần khắc phục những hạn chế trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Chậm về thời hạn trả lời đơn của công dân, chậm trả lời văn bản xin ý kiến giải quyết vụ việc của địa phương; giải quyết có hiệu quả hơn việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội…. bởi đây là những lĩnh vực phức tạp, nhiều vụ việc có tính chất lịch sử để lại, chính sách thay đổi qua các thời kỳ.
Quá trình giải quyết có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, Bộ cần lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan để trả lời, giải quyết có hiệu quả việc khiếu nại, tố cáo của người dân.
Ngay trong buổi sáng nay, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khảo sát việc thực hiện tiếp công dân tại trụ sở Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Ông Đỗ Văn Đương, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cho biết, qua khảo sát thực tế, ông thấy Bộ đã bố trí địa điểm tiếp dân rất thuận tiện cho người dân, ngay cổng vào. Phòng chờ cho công dân rộng rãi. Từ phòng chờ có phân loại các phòng người có công, phòng thanh tra, phòng bảo hiểm và sang phòng của Bộ trưởng.
"Có sự phân công rất rành mạch trách nhiệm theo lĩnh vực phụ trách trong tiếp công dân. Tuy nhiên, trong sổ tiếp dân thường xuyên tôi lưu ý 2 mục rất quan trọng. Đó là mục phân loại đơn còn ghi sơ sài. Thứ 2, mục xử lý trong sổ cũng ghi chưa rõ" - ông Đỗ Văn Đương nói.
Thực hiện chương trình công tác năm 2019, đến nay Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát tại 8 tỉnh, thành phố và tại 3 bộ là: Tài Nguyên và Môi trường, Xây dựng và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo./.
Tiếp công dân: Nhiều nơi khoán trắng cho cấp dưới kiểu “làm cho có"