“Một Sở có 44 lãnh đạo, 2 chuyên viên là điều không bình thường“

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học cho rằng việc một Sở ở Hải Dương có 44/46 người làm lãnh đạo là điều không bình thường, cần chấn chỉnh, xử lý...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học – Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội trả lời phóng viên VOV.VN về công tác cán bộ, bên hành lang Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV ngày 20/10.

Cử tri trông chờ vào sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt

PV: Là Đại biểu Quốc hội từng có nhiều ý kiến về kỷ luật, kỷ cương hành chính và công tác cán bộ, ông có cảm nhận thế nào về những đánh giá trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội liên quan đến vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Kỷ luật, kỷ cương hành chính năm nào trong báo cáo của Chính phủ đều đánh giá thực hiện chưa nghiêm. Cử tri và đại biểu ghi nhận từ đầu nhiệm kỳ đến nay Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và từng bước siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt yêu cầu, sự vào cuộc của các cấp, các ngành để thực hiện chủ trương này chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên)

PV: Thủ tướng cho biết một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Còn trên thực tế việc bổ nhiệm, đề bạt, sử dụng cán bộ vẫn vừa qua còn có vấn đề. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Cán bộ là gốc, mọi việc cũng từ cán bộ mà ra cho nên những biểu hiện tiêu cực, yếu kém thể hiện trong công tác cán bộ hay trên các lĩnh vực là do mình làm công tác cán bộ chưa tốt.

Có những kết luận, nhận định, đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy còn có việc chọn người chưa đúng, giao nhiệm vụ cho những người có trách nhiệm chưa tốt nên mới dẫn đến những câu chuyện như thế.

Cái quan trọng là khi thấy yếu kém, khuyết điểm đó thì khắc phục trong thời gian tới thế nào. Cử tri và nhân dân đang trông chờ vào sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.

PV: Liên quan công tác cán bộ, là đại biểu Quốc hội, ông có suy nghĩ gì trước thông tin báo chí nêu rằng một Sở ở Hải Dương có tới 44/46 người là lãnh đạo từ cấp phòng trở lên?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Tôi cho rằng đây là điều không bình thường và không phổ biến. Cần xem xét, đánh giá vì sao như thế, nếu đúng thì phải có biện pháp chấn chỉnh, xử lý, không thể để một thực tế như thế. Lãnh đạo nhiều hơn cán bộ thì lãnh đạo ai, ai lãnh đạo, quá trình triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thế nào? Cái này cần đánh giá.

Về lãnh đạo Sở thì cần xem trách nhiệm của đồng chí trước đó và người mới nhận bàn giao thể hiện thái độ, trách nhiệm như thế nào khi nhận bộ máy cán bộ. Qua đó có đánh giá khách quan, công bằng.

Dám chỉ ra sự thật thì sẽ có giải pháp khắc phục

PV: Vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương lâu nay được đề cập nhiều nhưng rõ ràng hiệu quả vẫn chưa như yêu cầu. Theo ông, bây giờ nên tập trung vào vấn đề gì?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Quan trọng nhất là xem xét lại trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị sử dụng cán bộ. Nếu người đứng đầu sử dụng không đúng, không tốt, để tồn tại thực tế thì phải xử lý trách nhiệm.

Chưa biết người đứng đầu có tiêu cực gì trong việc sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ hay không nhưng anh để thực tế không bình thường như thế, yếu kém như thế thì phải xử lý trách nhiệm.

Bây giờ phải rà soát, đánh giá lại cơ quan  nào, địa phương nào có vấn đề và đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa. Cái quan trọng là lâu nay ta thấy yếu kém đó, hạn chế đó ở cơ quan, địa phương đó nhưng người đứng đầu chưa bị xử lý, giờ phải xử lý sẽ dẫn đến sự chuyển biến mang tính tích cực và đồng bộ.

PV: Qua việc xử lý nghiêm, rà soát quy việc bổ nhiệm một số trường hợp cụ thể vừa qua cùng tinh thần báo cáo trước Quốc hội của Chính phủ cho thấy vấn đề cán bộ đang được quan tâm siết chặt, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Những hạn chế, tồn tại, bất cập trong sử dụng bố trí, bổ nhiệm cán bộ là cả quá trình. Giờ soát xét, tập trung để chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục thì mới thấy ra nhiều vấn đề bất cập như thế.

Đảng đang tăng cường chỉnh đốn, nhất là công tác cán bộ. Chính phủ điều hành đề cao vai trò của người đứng đầu cũng là nhằm làm tốt công tác cán bộ. Có thể nói qua Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, cử tri rất đồng tình việc Đảng tập trung xây dựng và chỉnh đốn, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh.

Chính phủ, Thủ tướng đang thể hiện quyết âm rất lớn xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, vì dân. Người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng xông xáo, quyết liệt để thực hiện điều Chính phủ đề ra.

Quốc hội ngày càng khẳng định vai trò quyết định và giám sát tối cao của mình, công khai, minh bạch.

Như vậy, chúng ta có thể tin tưởng sự chuyển động sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là tính cực. Tất nhiên tồn tại, yếu kém còn nhiều nhưng chúng ta tin khi Đảng thấy tồn tại, hạn chế, yếu kém và nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật thì sự thật đó sẽ được khắc phục; chiều hướng tốt, tích cực sẽ được phát huy.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quốc hội kêu gọi đồng bào và chiến sĩ ủng hộ đồng bào miền Trung
Quốc hội kêu gọi đồng bào và chiến sĩ ủng hộ đồng bào miền Trung

VOV.VN - Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ giúp nhân dân miền Trung sớm ổn định đời sống và sản xuất.

Quốc hội kêu gọi đồng bào và chiến sĩ ủng hộ đồng bào miền Trung

Quốc hội kêu gọi đồng bào và chiến sĩ ủng hộ đồng bào miền Trung

VOV.VN - Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ giúp nhân dân miền Trung sớm ổn định đời sống và sản xuất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiên quyết tinh giản biên chế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiên quyết tinh giản biên chế

VOV.VN - Đối với hệ thống hành chính nhà nước sẽ giảm 1,5% (tương ứng với 3.868 người) trong tổng biên chế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiên quyết tinh giản biên chế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiên quyết tinh giản biên chế

VOV.VN - Đối với hệ thống hành chính nhà nước sẽ giảm 1,5% (tương ứng với 3.868 người) trong tổng biên chế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.