“Một số đại biểu Quốc hội chưa tích cực đóng góp ý kiến”
VOV.VN - Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII đánh giá, một số đại biểu chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến, kỹ năng hoạt động còn hạn chế...
Cơ cấu hợp lý hơn
Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội vừa được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tại phiên họp 46 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ qua, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 vị đại biểu Quốc hội với cơ cấu hợp lý hơn, bảo đảm yêu cầu theo quy định của pháp luật; có kế thừa và phát triển cơ cấu đại biểu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và các khóa trước.
Tỷ lệ đại biểu trẻ tuổi, đại biểu có trình độ từ đại học trở lên tăng so với các khoá trước. Tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu không là đảng viên, đại biểu trong các lĩnh vực, ngành nghề được bảo đảm phản ánh được tính đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân.
Cơ cấu và chất lượng đại biểu Quốc hội góp phần quan trọng, thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội khóa XIII. |
Số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng, chiếm tỷ lệ 30,8% tổng số đại biểu Quốc hội, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn bộ máy của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Đa số đại biểu Quốc hội có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Qua hoạt động thực tiễn cho thấy, những điểm nổi bật về cơ cấu, số lượng, chất lượng đại biểu nêu ở trên đã góp phần quan trọng, thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội khóa XIII.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ, cơ cấu đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII vẫn còn một số hạn chế, đó là tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ, đại biểu là người dân tộc thiểu số đạt thấp so với yêu cầu; số lượng đại biểu công tác trong các cơ quan hành hành pháp vẫn còn cao.
Có đại biểu vi phạm pháp luật
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, nhìn lại cả nhiệm kỳ, có thể thấy, các đại biểu Quốc hội đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đại biểu nhân dân; phát hiện các vấn đề bức xúc trong thực tiễn để đề xuất ý kiến; đẩy mạnh thực hiện quyền chất vấn trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, hiệu quả...
Đặc biệt, tại các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu thực sự trở thành trung tâm của các kỳ họp, phát huy cao trách nhiệm trước Tổ quốc, Nhân dân trong thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể hiện chính kiến rõ ràng, trách nhiệm, thẳng thắn, công tâm. Có thể nhận thấy rõ điều này khi thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; về những đạo luật lớn và khó về bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; cho ý kiến những vấn đề lớn như về bảo vệ chủ quyền biển đảo...
Các đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng ngày càng khẳng định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội…
Đại biểu Quốc hội phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII |
Tuy nhiên, Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cũng thẳng thắn thừa nhận, hoạt động của một số đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm có những khó khăn, hạn chế nhất định; còn lúng túng trong hoạt động giám sát, nhất là giám sát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri.
Việc chưa chủ động đưa ra sáng kiến lập pháp hoặc tự giám sát những vấn đề mình quan tâm cũng là điều được Báo cáo tổng kết nhìn nhận là hạn chế trong hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước từng tỏ ra đáng tiếc khi cả nhiệm kỳ chỉ có một sáng kiến pháp luật nhưng chưa được chấp thuận. Do đó sắp tới phải làm sao hướng đến cho đại biểu và các tổ chức xã hội phát huy trí tuệ và chuyên môn của mình đề xuất dù một điểm, một chương chứ không hẳn phải hoàn chỉnh cả bộ luật.
“500 đại biểu đến từ các vùng miền, công tác trên các lĩnh vực, nhiều việc họ mắt thấy tai nghe và có chuyên môn riêng nên sẽ có đề xuất sáng kiến. Hiện tại việc xây dựng luật nhờ vào các cơ quan Quốc hội là chính, vai trò đại biểu còn lu mờ”, ông Ksor Phước nói.
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cũng thẳng thắn cho rằng, một số đại biểu Quốc hội chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội, còn một số đại biểu Quốc hội chuẩn bị nội dung phát biểu chất lượng thấp. Kỹ năng hoạt động của một số còn hạn chế. Có đại biểu thiếu bản lĩnh, thiếu trung thực, có những phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, thậm chí có đại biểu vi phạm pháp luật gây mất niềm tin, sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước.
Trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An (tại kỳ họp thứ 3) và bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội (tại kỳ họp thứ 9)./.
“Hoạt động Quốc hội không thực chất thì dân chán ngay”