Mục tiêu hơn 30% nữ đại biểu Quốc hội trúng cử khóa XV là một thách thức
VOV.VN - Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đặt mục tiêu phải đạt hơn 30% nữ đại biểu Quốc hội trúng cử. Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi các nữ ứng cử viên phải nỗ lực cao.
Việc đảm bảo tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử không chỉ đáp ứng yêu cầu cơ cấu đại biểu mà sẽ đảm bảo cho việc tham gia quyết định các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các vấn đề xã hội. Vì vậy, lựa chọn ứng cử viên nữ có đủ tiêu chuẩn theo quy định để bầu vào đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có ý nghĩa quan trọng.
Theo danh sách chính thức, trong tổng số 868 người ứng cử Quốc hội khóa XV, có 393 người là nữ, đạt 45,3%, tăng 6,3% so với khóa XIV. Trong đó, nữ ứng cử viên tại các cơ quan Trung ương là 45 người/203 người, đạt tỷ lệ 22,2%; nữ ứng cử viên khối địa phương là 348 người/665 người, đạt tỷ lệ 52,3%.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đặt mục tiêu phải đạt hơn 30% nữ đại biểu Quốc hội trúng cử. Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi các nữ ứng cử viên phải nỗ lực cao trong quá trình tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, để có được niềm tin của cử tri.
Bà Đinh Thị Phương Lan, người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong quá trình vận động bầu cử, các cơ quan truyền thông cần có sự bình đẳng trong tuyên truyền vận động giữa người ứng cử là nữ giới với người ứng cử là nam. Việc tổ chức các Hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử cũng được tiến hành bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử với người ứng cử là nữ.
Theo bà Lan, để tạo được niềm tin, dấu ấn với cử tri, trong quá trình vận động bầu cử, các nữ ứng cử viên phải hết sức tự tin, phải có quyết tâm khẳng định mình và thuyết phục cử tri. Để có được điều đó, mỗi ứng cử viên cần có sự chủ động trong chương trình hành động của mình để trình bày và thuyết phục cử tri.
Theo luật sư Nguyễn Thị Kiều, Đoàn luật sư TP Hà Nội, trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, yếu tố quan trọng để các nữ ứng cử viên được cử tri tin tưởng, lựa chọn là bản thân các nữ ứng cử viên phải thực sự tin tưởng vào bản thân, vào truyền thống của phụ nữ Việt Nam, vào chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong việc ủng hộ tăng cường phụ nữ tham gia vào hệ thống chính trị.
“Nữ giới cần tham gia vào Quốc hội và HĐND để tạo ra quyền lực mềm trong một lĩnh vực khá khô cứng. Nữ giới tham gia lĩnh vực này sẽ có những cách thể hiện, cách tham vấn, chất vấn, hay đưa ý kiến đúng với bản chất của nữ giới mềm mại nhưng quyết đoán, làm cho màu sắc của hoạt động chính trị đa dạng hơn rất nhiều”, luật sư Kiều nhận định.
Tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cũng như HĐND không chỉ là yêu cầu của Đảng, Nhà nước mà còn là mong muốn của giới nữ và cả xã hội. Bà Lê Thị Thu, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, không ai có thể đại diện tốt nhất cho phụ nữ bằng chính giới nữ. Cho nên họ phải tự tin để nhận lấy trách nhiệm. Có những ứng cử viên đã công tác trong hệ thống cơ quan Đảng, chính quyền, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, họ đã có trải nghiệm ở những tổ chức đó, đại diện cho tiếng nói của nữ giới ở những tổ chức đó, họ hiểu hơn hết nữ giới mong muốn điều gì. Nếu tự tin, họ sẽ nỗ lực, quyết tâm biến những mong muốn của nữ giới đại diện cho giới mình thành hiện thực.
Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 là nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội và 26,7% đại biểu là nữ. Trong các nhiệm kỳ Quốc hội, các nữ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của người phụ nữ tiêu biểu đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Các nữ đại biểu Quốc hội ở bất kỳ cương vị, cơ quan công tác, địa phương nào đều cố gắng học tập, nâng cao trình độ, trau dồi bản lĩnh, rèn luyện kỹ năng, phấn đấu giữ vững phẩm chất người đại biểu nhân dân, gần gũi, gắn bó với cử tri, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội. Những đóng góp của họ đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của đất nước.
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực của Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Các nữ đại biểu Quốc hội tham gia ngày càng tích cực trong các hoạt động của Quốc hội, tiếp tục khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của người đại biểu nhân dân. Có hàng trăm lượt ý kiến phát biểu của nữ đại biểu Quốc hội góp ý vào các báo cáo trình Quốc hội, các dự án luật trong các phiên thảo luận, chất vấn được tổ chức tại kỳ họp Quốc hội và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần đầu tiên có nữ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền sáng kiến lập pháp.
Nghiên cứu vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016-2021 do trường Đại học KHXHNV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam và các đối tác đồng thực hiện cho thấy, nam đại biểu Quốc hội chủ động hơn trong việc tiếp xúc với cử tri, song nữ đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri qua mạng xã hội thường xuyên hơn. Trong kế hoạch hành động, nữ đại biểu quan tâm hơn tới các lĩnh vực về giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, dân tộc, lao động thương binh và xã hội, tôn giáo và tín ngưỡng hơn so với nam đại biểu, không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ đại biểu về thời gian dành cho các hoạt động với tư cách đại biểu Quốc hội cũng như trong việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, kiến nghị của cử tri.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh Thái Nguyên, các số liệu tổng hợp còn cho thấy, dù số lượng đại biểu nữ rất ít, chỉ bằng 1/3 nam giới, nhưng mức độ hỗ trợ các chính sách về phụ nữ luôn luôn cao hơn nam giới. Có thể nhận thấy, nữ đại biểu Quốc hội có một số thế mạnh, năng lực, sở trường. Quốc hội Việt Nam luôn coi đây là cơ sở để xây dựng chính sách, đề xuất giải pháp hiệu quả, để phát huy hết vai trò, năng lực của các nữ đại biểu Quốc hội trong các hoạt động của Quốc hội nói chung, hoạt động giám sát nói riêng./.