Ngày quốc tế phụ nữ 8/3: Thúc đẩy phụ nữ tham gia chính trị
VOV.VN - Trong những nhiệm kỳ gần đây, tỷ lệ nữ giữ vị trí lãnh đạo hay có mặt trong các cơ quan quyền lực Nhà nước ngày càng cao, đặc biệt tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.
Nhiều phụ nữ đã thể hiện trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của mình, đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, thúc đẩy phụ nữ tham gia chính trị, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Nghị trường Quốc hội khóa XIV những ngày đầu tháng 11/2020, không khí thảo luận luôn sôi nổi với những phát biểu thẳng thắn và trách nhiệm. Nhiều cử tri hẳn không quên một nữ đại biểu còn rất trẻ nhưng đã có nhiều phát ngôn, chất vấn, tranh luận với một số bộ trưởng, làm “nóng” nghị trường Quốc hội, đó là nữ đại biểu của đoàn Gia Lai, Ksor H'Bơ Khăp.
Nhiều vấn đề mà cử tri còn băn khoăn, lo lắng như: lĩnh vực giáo dục đào tạo, câu chuyện thủy điện, hay môi trường... đều được đại biểu Ksor H'Bơ Khăp nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng và phát biểu thẳng thắn tại diễn đàn Quốc hội. Qua một nhiệm kỳ là đại biểu dân cử, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp đã luôn cố gắng tốt nhất có thể để làm tròn trách nhiệm của người đại biểu nhân dân và đã thực hiện đúng lời hứa trước cử tri khi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp cho biết: “Áp lực một đại biểu Quốc hội phải trải qua, đó chính là nói làm sao để dân dễ nghe nhất, cán bộ cũng dễ hiểu nhất. Tiếp nhận thông tin đó từ người dân, nhưng làm sao để truyền đạt cho các bộ, ban, ngành hiểu được đúng tâm tư nguyện vọng chính đáng đó của nhân dân”.
Thường xuyên gắn bó, gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, phát hiện các vấn đề bức xúc trong thực tiễn… những phát ngôn tâm huyết và chất lượng của các nữ đại biểu Quốc hội ở nghị trường đã thể hiện trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của những người phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Điều này cũng làm thay đổi suy nghĩ và nhìn nhận của cộng đồng về năng lực của phụ nữ tham gia quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Đại biểu Trần Quốc Khánh, đoàn Hà Nội cho rằng: “Mỗi thời kỳ, Đảng ta đều xác định phụ nữ có vị trí, vai trò quan trọng trong tất cả mọi lĩnh vực và đều phải đặt đúng vị trí phụ nữ ở trong các cơ quan Nhà nước, phải có trách nhiệm đóng góp tham gia với nam giới. Phụ nữ chúng ta luôn luôn được Đảng và Nhà nước tạo thuận lợi”.
Không chỉ ở nghị trường Quốc hội, nhiệm kỳ 2016-2021, lần đầu tiên, Việt Nam đã có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, có nữ Chủ tịch Quốc hội- một trong 4 vị trí lãnh đạo cao nhất của bộ máy Nhà nước. Lần đầu tiên, trong nhiệm kỳ 2021-2026 có 9 nữ Bí thư tỉnh ủy - những người đứng đầu các địa phương gồm: Lai Châu, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, An Giang và Hà Nam. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận xét: đó đều là những đồng chí có năng lực và phẩm chất nổi bật.
Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Bí thư Tỉnh ủy là nữ, điều đó thể hiện một việc rất quan trọng. Đó là chúng ta đã thực hiện rất tốt Luật bình đẳng giới và chiến lược về bình đẳng giới. Tức là chúng ta chuẩn bị rất lâu. Điều đó thể hiện một tinh thần, trách nhiệm của chiến lược phát triển phụ nữ và đánh giá cao vai trò của phụ nữ. Cho nên, điều này khẳng định rằng, chủ trương quan điểm của chúng ta thực hiện chính sách cán bộ nữ là rất tốt. Tôi mong rằng có thể còn nhiều tỉnh khác có nữ là Bí thư Tỉnh ủy”.
Những đóng góp quan trọng của phụ nữ là minh chứng cho thấy sự ưu việt trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người của Đảng, Nhà nước và cũng cho thấy sự vươn lên của phụ nữ Việt Nam. Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đặt ra 7 mục tiêu, trong đó mục tiêu đầu tiên là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị.
Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp cơ bản khóa sau tăng hơn khóa trước, tuy nhiên tăng chậm và không có tính tăng đột biến. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt còn khiêm tốn. Ở một số tỉnh, cán bộ, công chức nữ chiếm tỷ lệ cao, nhưng tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo cấp tỉnh chưa tương xứng với lực lượng cán bộ công chức nữ. Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bà Cao Thị Xuân cho rằng: do định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội, nên bản thân phụ nữ tham gia vào bộ máy chính trị phải nỗ lực hơn nhiều so với nam giới.
Bà Cao Thị Xuân cho biết: “Người phụ nữ phải gánh khá nhiều cơ cấu. Đã là nữ, là trẻ, là dân tộc…. Như vậy thì khả năng cạnh tranh rất là khó. Nó hạn chế rất nhiều so với các chức danh khác. Chúng tôi nghĩ rằng, đối với dân tộc thiểu số, nếu được lựa chọn những dân tộc trong cơ cấu phải thật sự tiêu biểu, phải thật sự là những người có năng lực, có trình độ và đại diện được ở các lĩnh vực”.
Phấn đấu để “nam nữ bình quyền”, đó là một chủ trương xuyên suốt được Hiến định trong bản Hiến pháp năm 1946. Bình đẳng ở đây là phụ nữ được tham gia quyết định những vấn đề quan trọng trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Đẩy mạnh bình đẳng giới trong công tác bầu cử, đảm bảo mục tiêu trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đạt tỷ lệ 35% nữ, không phải chỉ là để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước./.