“Nghe báo cáo cứ tưởng đất rừng còn nhiều lắm”
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND mà chỉ nghe báo cáo, không kiểm tra chẳng khác gì “cưỡi ngựa xem hoa”.
“Nghe báo cáo cứ tưởng đất rừng còn nhiều lắm!”
Thảo luận về dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nhấn mạnh phải tìm ra giải pháp để nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát. Bởi dư luận lâu nay và chính đại biểu cũng đánh giá là hoạt động giám sát dù có nhiều cố gắng song vẫn còn hình thức, “cưỡi ngựa xem hoa”.
Theo đại biểu Hùng, hoạt động chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm là giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả giám sát. Nhưng vấn đề hoạt động giám sát nói chung và đặc biệt là giám sát chuyên đề chưa có gì mới.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước |
Ngay khái niệm của giám sát cũng chưa được làm rõ và đọc xong luật cứ nghĩ giám sát là “xem xét” vì luật đề cập rất nhiều từ “xem xét”. Theo đó, giám sát tối cao của Quốc hội có 7 việc thì 6 việc xem xét (trừ lấy phiếu tín nhiệm); Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có 10 việc thì đến 9 việc đề cập xem xét. Các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu cũng như đại biểu cũng chủ yếu là “xem xét”.
“Đặc biệt là xem xét các báo cáo còn không thấy xem xét thực tiễn - điều cơ bản của giám sát. Chỉ nghe báo cáo rồi tranh luận, đề nghị làm rõ và đưa ra kết luận thì làm sao kết luận chính xác được. Làm theo thế này thì đúng là cưỡi ngựa xem hoa”, đại biểu Bùi Mạnh Hùng nói và đề nghị luật cần thêm từ “kiểm tra” trong hoạt động giám sát.
“Nghe báo cáo đã có vấn đề rồi thì đi thực tế còn nhiều vấn đề hơn nữa. Ví dụ về quản lý đất rừng nếu nghe báo cáo thì đất rừng còn nhiều lắm nhưng ta đi thực tế thấy chỉ có bìa rừng chứ trong rừng không có bao nhiêu. Không có kiểm tra thì giám sát kết luận không chính xác được và điều đó nhiều khi lại hợp thức hoá sai phạm. Vì khi cử tri có ý kiến thì đối tượng được giám sát đưa kết luận của đoàn giám sát ra thì cử tri cũng đành chịu”, đại biểu Quốc hội băn khoăn.
Không sợ trách nhiệm thì kết luận giám sát mới trọng lượng
Đại biểu Đỗ Văn Đương - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng: “Lâu nay cho dù cho giám sát chuyên đề, giám sát báo cáo các bộ ngành hay theo khiếu nại tố cáo, kiến nghị của cử tri cũng hầu như nghe báo cáo. Mà báo cáo thì hay lắm vì bản thân đối tượng bị giám sát không dại gì lôi khuyết điểm ra”.
Đại biểu Đỗ Văn Đương - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội |
Để nâng cao hiệu lực của hoạt động giám sát, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị luật cần quy định các phương thức giám sát.
Qua kinh nghiệm thực tiễn, nhất là qua đợt giám sát tình hình oan sai vừa qua, đại biểu Đương cho rằng khi giám sát vẫn phải nghe báo cáo nhưng tiếp đó phải nghiên cứu hồ sơ liên quan đến phạm vi giám sát và trực tiếp xem xét tại chỗ.
“Có nghiên cứu hồ sơ mới biết oan hay không oan, bỏ lọt tội phạm hay không bỏ lọt. Muốn biết cơ sở nào đó có gây ô nhiễm không thì đại biểu phải đi tận nơi xem có xả thải ra ngoài không; rồi rừng có bị tàn phá không phải xuống; trại giam có quá tải không phải xuống hỏi nhiều người, xem buồng giam, chế độ ăn thế nào. Chúng tôi lấy từng cọng rau muống bỏ mồm xem có thiu hay không. Phải như thế mới ra được”, đại biểu Đương kiến nghị.
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng mọi cuộc giám sát phải ban hành kết luận, trong đó nêu cụ thể cái đạt được, cái chưa được, đúng, sai và cho chủ thể bị giám át cung cấp tài liệu giải trình. Khi hai bên thống nhất rồi thì yêu cầu thực hiện qua các cấp độ.
Trước tiên những vi phạm nghiêm trọng phải giải quyết ngay để bảo đảm quyền và lợi ích cho người dân, tập thể thì phải thực hiện ngay. Thứ hai là kiến nghị khắc phục những vấn đề tuy không nghiêm trọng nhưng tồn tại kéo dài. Thứ 3 là ra nghị quyết yêu cầu chấn chỉnh vi phạm và trong thời hạn phải báo cáo Quốc hội.
“Cứ kiến nghị chung chung là hậu quả của nghe báo cáo. Bản thân đoàn giám sát không mạnh dạn chịu trách nhiệm, sợ sai nên kiến nghị chung chung để không ảnh hưởng đến mình. Giám sát thì phải nói rõ sai - đúng và chịu trách nhiệm về kết luận của mình”, đại biểu Đương nói./.
Chủ tịch Quốc hội: “Kết quả giám sát trôi đâu mất”
“Giám sát xong thì hậu quả pháp lý thế nào vì điều này thể hiện chất lượng giám sát thì trong luật chưa rõ. Chất vấn tương đối rồi nhưng giám sát chưa tốt đâu. Tất cả giám sát mà kết quả giám sát trôi đâu mất. Đây là trọng tâm và mấu chốt của luật này.
Giám sát xong ra kiến nghị để chủ thể bị giám sát tiếp thu, trả lời. Đồng thời phải kết luận và người giám sát phải chịu trách nhiệm về tính chính xác; đối tượng được giám sát phải thi hành”.
Đừng để khi dân cần lại không thấy đại biểu
“Người dân bầu một vị đại biểu đều mong đợi đại biểu luôn kề vai sát cánh; gặp khó khăn, vướng mắc thì có người đại diện cho mình. Tránh để dân buồn khi bầu thì rất nhiều cấp đại biểu từ HĐND đến Quốc hội nhưng khi khó khăn thì gặp đại biểu khó quá”- đại biểu Huỳnh Thành Lập.