Nghị trường nóng từ Hiến pháp…. đến y đức
VOV.VN -Những vấn đề nóng nhất bên ngoài nghị trường cũng đã hối thúc các đại biểu dân cử phải lên tiếng.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Cảm thấy rất đau xót, khổ tâm, day dứt và đang tìm nhiều giải pháp cải thiện y đức trong ngành y |
Trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI, nhiều vấn đề quan trọng của đất nước đã được thảo luận, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính bền vững lâu dài. Đó là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, là tình hình kinh tế- xã hội, thu chi ngân sách, tái cơ cấu nền kinh tế, phòng chống tham nhũng…. Những vấn đề nóng nhất bên ngoài nghị trường cũng đã hối thúc các đại biểu dân cử phải lên tiếng.
Sau 2 năm rưỡi kể từ khi có chủ trương sửa đổi Hiến pháp, sau hai kỳ họp Quốc hội, hàng trăm cuộc họp lớn nhỏ và hàng triệu ý kiến đóng góp của đồng bào trong và ngoài nước, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình ra Quốc hội lần này được đánh giá là khá sát với thực tiễn, khoa học, chặt chẽ, cơ bản đã giải quyết được các vấn đề còn băn khoăn.
Nếu như ở kỳ họp trước, nhiều nội dung vẫn còn có 2 hoặc 3 phương án thì ở kỳ họp này, Ban soạn thảo đã thể hiện rõ tinh thần: cái gì tiếp thu được thì tiếp thu, cái gì không tiếp thu được thì giải thích rõ ràng. Nhiều nội dung đã có phương án cuối cùng như: không đổi tên nước, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, bỏ quy định về Hội đồng hiến pháp…
Phát biểu tại tổ thảo luận của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, những điểm đúng, đạt được sự thống nhất cao, đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn thì nên sửa, còn những điểm chưa “chín” thì chưa nên sửa.
Trong các phiên thảo luận tổ tuần này, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là chế định chính quyền địa phương. Dù khẳng định, việc đổi mới mô hình chính quyền địa phương là cần thiết song nhiều đại biểu cho rằng, đổi mới như thế nào, mô hình nào là tối ưu thì cần thiết phải tổng kết việc triển khai thí điểm ở 10 tỉnh, thành phố hiện nay.
Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào thời điểm cuối năm nên vấn đề kinh tế- xã hội chiếm một thời lượng đáng kể. Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc, tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến đạt khoảng 5,4%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 5,5%, lạm phát khoảng 7%. Năm nay, nguồn thu ngân sách giảm sút do sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp được giãn, giảm thuế, tổng cầu giảm mạnh, tín dụng không tăng... Chính vì vậy, Chính phủ đã đề nghị nâng bội chi ngân sách năm 2013 và 2014 lên 5,3%.
Theo nhận định của các đại biểu, nâng bội chi trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, phần bội chi tăng thêm cần phải được tập trung đầu tư phát triển với danh mục công trình cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả cao nhất…
Nhìn lại tăng trưởng kinh tế 3 năm qua, với mức tăng bình quân 5,6%, dù không thấp hơn so với các nước trong khu vực, song nhiều đại biểu cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế còn chậm so với khả năng. Trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ 5 năm (2014-2015), hai vấn đề được quan tâm nhiều nhất là giải quyết nợ xấu và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong tuần làm việc đầu tiên, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 đã được trình ra Quốc hội trong lúc dư luận chưa hết bức xúc về vụ án tham nhũng ở Vinalines.
Báo cáo cho biết, năm nay, dù tình hình tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi song số người đứng đầu bị xử lý lại ít hơn trước với 41 trường hợp, trong đó có 4 người bị xử lý hình sự.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa nhận: "Nhìn chung, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu và còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý trách nhiệm người đứng đầu cũng còn nhiều vướng mắc, cần sửa đổi cho phù hợp”.
Một ngày sau khi kỳ họp thứ 6 khai mạc, Hà Nội bàng hoàng vì vụ bác sĩ thẩm mỹ vứt xác khách hàng xuống sông Hồng để phi tang. Cùng với nhiều vụ việc của ngành y tế xảy ra trong thời gian gần đây, câu chuyện y đức lại gióng lên hồi chuông báo động. Dù không phải là chủ đề thảo luận ở Quốc hội, song nhiều đại biểu dân cử đã phải lên tiếng đề nghị ngành y tế có thái độ quyết liệt hơn nữa đối với những hành vi vi phạm của những người tham gia bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã thể hiện quan điểm của mình từ những vấn đề vĩ mô như lập Hiến, lập pháp cho đến những sự vụ cụ thể, sát sườn với cuộc sống cử tri./.