"Những người tự ứng cử phải rất bản lĩnh, tự tin, có khát vọng cống hiến"

VOV.VN - “Những người tự ứng cử theo tôi phải rất bản lĩnh, tự tin, đặc biệt có khát vọng cống hiến nên họ mới mạnh dạn nộp hồ sơ. Những người đã nộp rồi lại xin rút chắc chỉ có lý do tâm lý còn e ngại" - ông Giáp Ngọc Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.

 Trao đổi với phóng viên VOV.VN về tình hình kết quả giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, ông Giáp Ngọc Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Giang, cho biết, sau khi nhận hồ sơ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV do Ủy ban Bầu cử của tỉnh Bắc Giang bàn giao, với tinh thần khẩn trương, tích cực, thậm chí làm cả ngày nghỉ, đến sáng 17/3 đã hoàn thành việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 2.

Kết quả, Hội nghị đã nhất trí cao với số lượng biểu quyết 100%, thông qua danh sách sơ bộ gồm 13 người ứng cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, không tính số lượng do Trung ương gửi về. Trong danh sách 13 người, 11 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và 2 người tự ứng cử.

Hội nghị hiệp thương lần hai cũng đã nhất trí đưa vào danh sách sơ bộ có cơ cấu, thành phần khá tốt với nữ (5 người, 38,5%), người ngoài Đảng (3 người, chiếm 23%), người trẻ (4 người, chiếm 30,7%), dân tộc (2 người, 15,4%). Con số này đều cao hơn các quy định của Trung ương.

Ông Giang cho biết, theo Nghị quyết phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiệm kỳ này, Bắc Giang được phân 9 đại biểu, hơn nhiệm kỳ trước 1 người. Theo cơ cấu, đại biểu do Trung ương giới thiệu là 4 người, đại biểu công tác tại địa phương là 5 người.

“Chúng tôi rất phấn khởi, nhất trí cao với số lượng đại biểu được phân bổ. Địa phương mong muốn được các vị trong Bộ Chính trị, trong Ban Bí thư, hay các thành viên Chính phủ về ứng cử ở Bắc Giang”, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Bắc Giang bày tỏ.

Ở nhiệm kỳ khóa XIV, tỉnh Bắc Giang có 4 đại biểu tự ứng cử, khóa XV chỉ còn 2 người ứng cử. Phân tích về điều này, ông Giang, cho biết, trong quá trình nộp hồ sơ, có rất nhiều người đã nộp rồi nhưng sau lại làm đơn xin rút, có người đến xin hồ sơ, nghe hướng dẫn nhưng cuối cùng không nộp, cũng có người xin bổ sung hồ sơ…, chủ yếu ở cấp huyện.

Có hiện tượng đó, theo ông Giang là do một số người còn tâm lý e ngại, tự ti, sợ đưa ra bầu không trúng. Cũng có trường hợp đến quá muộn so với thời gian quy định.

“Những người tự ứng cử theo tôi phải rất bản lĩnh, tự tin, đặc biệt có khát vọng cống hiến nên họ mới mạnh dạn nộp hồ sơ. Những người đã nộp rồi lại xin rút chắc chỉ có lý do tâm lý còn e ngại. Còn quá trình hiệp thương lần thứ nhất, Bắc Giang là 1 trong 5 tỉnh có dự kiến số người tự ứng cử, và chúng tôi đã "dành chỗ” cho 5 người tự ứng cử, nhưng kết quả chỉ có 2”, ông Giang chia sẻ thêm.

Nhận xét về chất lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội ở nhiệm kỳ mới, ông Giang cho biết, trình độ văn hóa, học hàm học vị, đều cao hơn. Người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ nhiều hơn, số người có trình độ từ đại học trở lên cũng cao hơn nhiệm kỳ trước. Do vậy có thể tin tưởng chất lượng đại biểu Quốc hội kỳ này của tỉnh Bắc Giang sẽ tốt hơn.

Một điểm mới nữa ở kỳ bầu cử lần này, theo ông Giang, đó là số dư để chuẩn bị phân bổ cho các cơ quan giới thiệu người khá cao, số lượng phân bổ cao gấp đôi so với số lượng được bầu. Như vậy, số người được giới thiệu cũng sẽ nhiều hơn để qua các vòng hiệp thương lần 2, lần 3 có thể lựa chọn giới thiệu được người tiêu biểu nhất, xuất sắc nhất.

“Đó là lý do vì sao chúng tôi đưa ra số dư nhiều hơn, một là dân chủ, hai là có cơ hội để lựa chọn người tài”, ông Giang khẳng định.

Rút kinh nghiệm ở những khóa trước để tránh tình trạng chọn “nhầm” người, Ban thường trực UBMTTQ có trách nhiệm phải nghiên cứu toàn bộ số hồ sơ này để xem xét toàn bộ lý lịch người ứng cử, không để lọt những người không thực sự tiêu biểu, không thực sự là tấm gương ở cơ sở.

“Đề cao trách nhiệm xem xét, đánh giá tiêu chuẩn của người ứng cử, nên toàn bộ quá trình hiệp thương đều quán triệt lại đối với các đại biểu dự hội nghị hiệp thương về tiêu chuẩn của ĐBQH. Đồng thời thông báo sơ bộ sơ yếu lý lịch của những người ứng cử để các đại biểu nghe, thảo luận kỹ xem có tồn tại vấn đề gì không”.

Ông Giang cho biết như vậy, đồng thời dẫn chứng: “Có trường hợp là đảng viên sinh con thứ 3 đã được đại biểu thảo luận rất nhiều, và truy xem lý do vì sao, trong hồ sơ của vị này không khai bị kỷ luật. Theo quy định, đảng viên sinh con thứ 3 là phải khiển trách, như vậy không thể giới thiệu vào các chức vụ cao hơn. Cuối cùng chúng tôi tìm ra là gia đình anh này sinh con thứ 3 đúng quy định, vợ anh này có thai ngoài ý muốn nhưng vì lý do sức khỏe không đảm bảo nên nếu bỏ thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và con nên vẫn được để sinh mà không bị kỷ luật. Ví dụ như vậy để thấy rằng có trường hợp phải đưa ra thảo luận kỹ, tất nhiên có thể không hết được nhưng về cơ bản là chúng tôi phải làm hết trách nhiệm”.

Theo ông Giáp Ngọc Giang, hiện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang đang xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Trước mắt, ngay sau hội nghiệp hiệp thương lần hai, Mặt trận Tổ quốc sẽ tổ chức hội nghị với thành phần tham dự là đại diện các cơ quan có người được giới thiệu ứng cử; chủ tịch Mặt trận các xã, thị trấn, có người ứng cử ĐBQH, HĐND tỉnh cư trú trên địa bàn, để tập huấn, hướng dẫn quy trình, về nội dung, hình thức để tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri. Hội nghị hiệp thương lần ba dự kiến tổ chức vào 15/4, tùy thuộc vào quá trình chuẩn bị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ông Nguyễn Nhân Chinh tiếp tục được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh
Ông Nguyễn Nhân Chinh tiếp tục được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh

VOV.VN - Ông Nguyễn Nhân Chinh có mặt trong danh sách 112 đại biểu được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX.

Ông Nguyễn Nhân Chinh tiếp tục được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh

Ông Nguyễn Nhân Chinh tiếp tục được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh

VOV.VN - Ông Nguyễn Nhân Chinh có mặt trong danh sách 112 đại biểu được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX.

Bắc Ninh giới thiệu 13 người ứng cử ĐBQH khóa XV, 1 người tự ứng cử
Bắc Ninh giới thiệu 13 người ứng cử ĐBQH khóa XV, 1 người tự ứng cử

VOV.VN - 100% đại biểu tham dự đều bày tỏ thống nhất cao với danh sách sơ bộ 14 vị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh Bắc Ninh, trong đó có 1 đại biểu tự ứng cử.

Bắc Ninh giới thiệu 13 người ứng cử ĐBQH khóa XV, 1 người tự ứng cử

Bắc Ninh giới thiệu 13 người ứng cử ĐBQH khóa XV, 1 người tự ứng cử

VOV.VN - 100% đại biểu tham dự đều bày tỏ thống nhất cao với danh sách sơ bộ 14 vị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh Bắc Ninh, trong đó có 1 đại biểu tự ứng cử.