Ông Hoàng Trung Hải: Hà Nội phải rút kinh nghiệm từ vụ nước nhiễm bẩn
VOV.VN - Sau sự cố ô nhiễm nguồn nước, TP Hà Nội và các sở ngành phải rút kinh nghiệm, đồng thời rà soát lại để không tái diễn.
Xung quanh vụ việc nguồn nước sinh hoạt của hơn 200.000 hộ dân bị ô nhiễm, bên hành hang Quốc hội chiều 22/10, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, sau vụ nước bị nhiễm bẩn, người dân quan tâm và đặt ra câu hỏi là liệu có xảy ra lần nữa hay không? Cũng qua việc này, thành phố, sở ngành phải rút kinh nghiệm, sau đó ra các quy định bắt buộc muốn đầu tư kinh doanh nước thì phải có công nghệ, điều kiện gì.
“Đó là những cái thành phố phải rà soát lại để không xảy ra sự cố lần nữa. Thành phố 10 triệu dân, sự cố vừa rồi là rất đáng tiếc. Thành phố sẽ chỉ đạo để không tái diễn” – ông Hoàng Trung Hải cho biết.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. (ảnh: ANTĐ) |
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, từ sự cố ô nhiễm nguồn nước rút ra nhiều kinh nghiệm, trong đó, doanh nghiệp kinh doanh nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, sau đó mới đến công an địa phương.
Thực tế cho thấy, hệ thống quan trắc nước sạch còn hạn chế, nên bất cứ ở đâu việc mất an ninh an toàn nguồn nước cũng có thể xảy ra. Câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu sự cố xảy ra, xử lý như thế nào? Trách nhiệm phải quy định rõ ra sao chứ không thể để tình trạng toàn bộ hệ thống quan trắc không phát hiện ra hoặc phát hiện ra mà xử lý lúng túng như trường hợp vị lãnh đạo công ty nước sạch sông Đà nói là phát hiện đổ dầu thải vào nguồn nước rồi nhưng không biết nên dừng cấp nước hay không.
“Phân phối đi từng cấp cũng phải có quan trắc để phát hiện. Anh cung cấp nước thì phải đảm bảo, chịu trách nhiệm trước người dân về chất lượng. Yêu cầu phải quan trắc tự động mấy lần các công đoạn, đồng thời lấy mẫu thủ công phòng khi quan trắc tự động hỏng. Tất cả phải rà soát lại hết, quy trình, quy phạm hoá nó đi”- ông Hoàng Trung Hải nói.
Trả lời câu hỏi về việc Hà Nội có quy trình ứng phó các loại thảm họa hay không, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố có quy định tất cả các loại thảm họa, từ đó có các kế hoạch cụ thể để thực hiện. Thành phố đã nhìn thấy vấn đề nhưng chưa thực hiện được hết các giải pháp đề ra. Ô nhiễm không khí, nguồn nước... là những việc tiếp tục phải làm khẩn trương, quyết liệt hơn, bởi thảm họa có thể xảy ra bất cứ ngày nào.
Nhắc lại việc Hà Nội xử lý chậm khi sự cố xảy ra, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết, ở đây có vấn đề về phân công, phân nhiệm trong công tác xử lý công việc, thông tin cũng như phối hợp với các cơ quan có liên quan.
"Các đơn vị đang hoàn thiện để có quy định lại. Cũng có thể không hết được nhưng mỗi lần phải tốt hơn. Nhà máy nước sông Đà nằm ở Hoà Bình, còn nước dùng ở Hà Nội có khó khăn trong đảm bảo chất lượng nhưng không phải không làm được. Những sự cố mang tính thảm hoạ thành phố đã tính đến rồi nhưng phải cụ thể giao trách nhiệm cho từng nơi" - ông Hải nhấn mạnh./.
Vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà: An ninh nguồn nước chưa quản lý tốt