“Pháp luật quy định mà anh né tránh thì đừng làm Chủ tịch nữa“

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim nêu quan điểm khi trả lời báo chí về việc lãnh đạo chính quyền "ngại" tiếp công dân, "lười" đến toà hành chính.

Sáng 14/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Các báo cáo đều cho thấy tình trạng Chủ tịch UBND các cấp không thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, Luật Tố tụng hành chính.

Trao đổi với phóng viên, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng cần các biện pháp hành chính mạnh của cơ quan cấp trên để xử lý, kiểm điểm, khắc phục bằng được tình trạng này. Bởi nếu kéo dài tình trạng như vậy thì hậu quả là tâm tư, nguyện vọng của nhân dân không được giải quyết, người dân mất niềm tin vào chính quyền.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim

“Đơn thư của người dân cần được phân loại, cái nào đúng, cái nào không đúng. Đúng thì phải giải quyết, không đúng thì cũng phải trả lời, nói đầy đủ cho dân hiểu. Chứ cứ né tránh, chuyển đơn thư lòng vòng để làm gì?” – ông Vũ Trọng Kim nói.

Vị đại biểu này cũng cho rằng, không thể để Chủ tịch UBND các cấp viện dẫn lý do là bận quá nên không sắp xếp được lịch tiếp công dân, không thu xếp dự các phiên toà hành chính khi người dân kiện.

Hành chính nhà nước đó chính là công việc phải giải quyết với người dân. Bởi vì anh là người phục vụ cho đời sống mọi mặt của người dân. Chỉ có anh là người đưa ra các quyết định hành chính để giải quyết các vấn đề theo chức năng, thẩm quyền liên quan đến lợi ích, nguyện vọng của người dân theo pháp luật.

Đời sống mọi mặt của xã hội, của người dân hàng ngày đều liên quan đến pháp luật, từ khai sinh, khai tử, làm nhà, quản lý đất đai…, đều liên quan đến chính quyền. Người dân có quyền đề nghị, yêu cầu lãnh đạo giải quyết đúng thẩm quyền và đúng pháp luật, và khi đó người lãnh đạo không được né tránh.

Luật Tiếp công dân quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp dân ít nhất mỗi tháng một lần, Chủ tịch UBND cấp xã phải tiếp dân ít nhất mỗi tuần một lần, phải công khai lịch tiếp công dân, nhưng theo báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì tỷ lệ tiếp dân đúng pháp luật rất hạn chế, nhưng luật lại không quy định chế tài xử lý.

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, chế tài chính là đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ. Nếu một năm người đứng đầu không thực hiện được việc đó thì anh phải “rời” ghế.

“Công việc của anh là công việc với dân mà anh không làm được thì nên nghỉ. Việc của anh là việc với dân chứ không chỉ là việc với cơ quan này cơ quan khác, đi thăm chỗ nọ chỗ kia. Đối tượng làm việc chính của Chủ tịch UBND là với dân. Nội dung chính của Chủ tịch UBND các cấp là với dân, là đời sống nhân dân. Cho nên phải dành thời gian cho dân, gần dân. Không thể nói rằng tôi bận đi làm việc với cơ quan này, cơ quan khác, còn việc dân thì anh lại bỏ. Anh không ý thức đúng vấn đề chứ không phải là không sắp sếp được công việc” – ông Kim nói.

Không chỉ “ngại” tiếp dân, Chủ tịch UBND các cấp còn “lười” thực hiện nghĩa vụ tham gia các phiên toà hành chính khi bị dân kiện dù luật đã quy định. Ông Vũ Trọng Kim cho rằng nếu Chủ tịch UBND không làm thì uỷ quyền cho Phó chủ tịch theo quy định chứ không thể uỷ quyền cho cấp tham mưu, cho văn phòng được.

“Pháp luật quy định như vậy mà ông không làm, ông tránh né, thì ông không nên làm chủ tịch nữa” – vị đại biểu này nêu quan điểm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên