Quá trình xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn

VOV.VN - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng: “Quá trình xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng".

Sáng nay (3/11), tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ban bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị- Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội đến 62 điểm cầu trong cả nước với sự tham dự của lãnh đạo Quốc hội; đại diện lãnh đạo khối các cơ quan Đảng, cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, Hội Luật gia Việt Nam; các vị đại biểu Quốc hội; đại diện Tỉnh, Thành ủy, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Trên cơ sở Đề án do Đảng đoàn Quốc hội xây dựng, ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Theo đó, Bộ Chính trị thông qua Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV và giao Đảng đoàn Quốc hội căn cứ Kết luận để hoàn chỉnh Đề án, thông báo cho các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện; đồng thời, giao các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể hoá nội dung Đề án vào chương trình công tác, chương trình xây dựng pháp luật hằng năm.

Phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 48, Bộ Chính trị nhận định: Công tác xây dựng pháp luật có nhiều cải tiến, đổi mới, xác định được quy trình xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch hơn; thể chế hoá kịp thời, đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng. Công tác tổ chức thi hành pháp luật có tiến bộ và đạt được những kết quả tích cực; vai trò của pháp luật và ý thức thượng tôn pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, so với thực tiễn phát triển của đất nước, hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế. Tính ổn định và khả năng dự báo trong một số lĩnh vực chưa cao; một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thậm chí còn có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn. Công tác nghiên cứu lý luận về pháp luật và đổi mới tư duy pháp lý còn chậm. Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, chưa gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để.

Trước thực tế này, ông Võ Văn Thưởng nêu 5 vấn đề lớn cần chú trọng trong thời gian tới, đó là hệ thống pháp luật phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành trôi chảy, vừa tiếp nhận, phát triển những giá trị đã được khẳng định của văn minh nhân loại, vừa phù hợp với những giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của chế độ ta, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

“Quá trình xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”; không được lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp.

Tập trung xử lý, khắc phục ngay tình trạng văn bản luật mà tính dự báo yếu, thiếu ổn định, "luật khung, luật ống", chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Không được để xảy ra tình trạng luật mới được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, xa rời thực tiễn, luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, gây nên sự thiếu niềm tin của nhân dân vào luật pháp, lo ngại của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài về tính ổn định, minh bạch trong các quy định của pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh”, ông Võ Văn Thưởng chỉ rõ.

Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, thực tiễn luôn phong phú, sinh động, trong quá trình vận hành của xã hội cho thấy, nhiều vấn đề luật pháp chưa thể theo kịp thực tiễn, quy định pháp luật xa rời cuộc sống, chưa đủ chế tài để xử lý hoặc xử lý không triệt để những vấn đề mới nảy sinh, nhất là trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ như vấn đề lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm người khác; tội phạm trên không gian mạng... tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt đời sống xã hội.

Bởi vậy, trong quá trình xây dựng pháp luật phải bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh; tuy nhiên, phải bình tĩnh, nghiên cứu, dự báo thấu đáo, khoa học những vấn đề của thực tiễn đặt ra, không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận xã hội. Chỉ những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm. Trước mắt, chưa triển khai xây dựng những dự án luật có nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.

Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế. Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật. Phát huy tính năng động, tích cực, vai trò, ý thức trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp. Nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật.

Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo tổng quan về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự kiến Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị. Trên cơ sở 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể, căn cứ vào quỹ thời gian thực tế và khả năng thực hiện, Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan thống nhất xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần phải thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trên tổng số 193 nhiệm vụ do các cơ quan, tổ chức đề xuất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng: Ưu tiên mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật
Thủ tướng: Ưu tiên mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật

VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần tăng cường nhân lực cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế vì nhân lực là một vấn đề rất cơ bản, rất xương sống.

Thủ tướng: Ưu tiên mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật

Thủ tướng: Ưu tiên mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật

VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần tăng cường nhân lực cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế vì nhân lực là một vấn đề rất cơ bản, rất xương sống.

Nhận diện lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật
Nhận diện lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

VOV.VN - Một số bộ ban ngành được giao soạn dự thảo luật để trình dự án luật, nhưng lại không làm sát với thực tế mà lại có biểu hiện lôi kéo có lợi ích về cho nhóm bộ ngành đó.

Nhận diện lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

Nhận diện lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

VOV.VN - Một số bộ ban ngành được giao soạn dự thảo luật để trình dự án luật, nhưng lại không làm sát với thực tế mà lại có biểu hiện lôi kéo có lợi ích về cho nhóm bộ ngành đó.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về xây dựng pháp luật 
Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về xây dựng pháp luật 

VOV.VN - Sáng nay, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về xây dựng pháp luật 

Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về xây dựng pháp luật 

VOV.VN - Sáng nay, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.