Quốc hội tạo xung lực mới cho các cơ quan khác hoàn thành nhiệm vụ
VOV.VN - Theo các ĐBQH, hoạt động của Quốc hội giúp cho Đảng, Chính phủ và các cơ quan đánh giá lại quá trình thực hiện chính sách và chỉ đạo, điều hành của mình.
Chiều 25/3, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH Bến Tre) cho rằng, hoạt động của Quốc hội đã tạo nên xung lực mới, tạo “áp lực” cho các cơ quan khác thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong thắng lợi của Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án, Viện Kiểm sát đều có sự cố gắng của ĐBQH, và các cơ quan của Quốc hội.
“Hoạt động của Quốc hội ngày càng mang tính sâu đậm, lan tỏa trong xã hội và cử tri cả nước. Người dân luôn chờ đợi, chứng kiến hoạt động của Quốc hội. Nhiều người ngồi màn hình theo dõi và bình luận về hoạt động của Quốc hội, điều đó cho thấy người dân hết sức quan tâm tới các hoạt động của Quốc hội”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Cũng theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, hoạt động của Quốc hội cũng giúp cho Đảng, Chính phủ và các cơ quan đánh giá lại quá trình thực hiện chính sách và chỉ đạo, điều hành của mình: “Sự đồng hành không có nghĩa là xuê xoa, mà tạo “áp lực” để Chính phủ điều chỉnh các hoạt động của mình tốt hơn. Chính phủ là cơ quan điều hành, hành pháp nhưng thực sự đã sáng tạo, hành động và phục vụ người dân. Chính phủ sáng tạo trong hành động thì Quốc hội phải là nhân văn, còn tư pháp là hiện thân của công lý. Như vậy, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.
Các ĐBQH nêu những ý kiến, băn khoăn của cử tri, đặc biệt nhấn mạnh niềm tin của cử tri và người dân cả nước đặt vào những hành động với kết quả cụ thể “bằng định lượng” trong mọi vấn đề, mọi lĩnh vực. Theo đó, giám sát của Quốc hội phải đảm bảo “kết quả định lượng” này.
Các ĐBQH đánh giá Quốc hội đạt nhiều thành công trong xây dựng luật pháp. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều luật cần thiết, nhiều vấn đề cần thiết cho đời sống, cho định hướng phát triển chưa được xây dựng.
Các đại biểu khẳng định, tiếp cận xây dựng luật phải xử lý rất hài hoà vấn đề, cái gì cụ thể được thì cụ thể, không nên đi chung chung thành một Nghị quyết. Tiếp cận hướng đó thì hệ thống pháp luật mới đi vào cuộc sống ngay được, tránh tranh luận hay vừa xong đã sửa hoặc không phát huy được.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn ĐBQH) Hải Phòng nhận định: “Có 5 điểm đổi mới gồm đổi mới cơ bản chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; đa dạng hóa hình thức lấy ý kiến xây dựng luật; tăng cường giám sát chuyên đề; tăng cường các phiên giải trình tác động chuyển biến bộ ngành khi lật đi lật lại vấn đề, căn cứ quan trọng để các bộ sớm nghiên cứu sửa đổi chính sách. Giải trình trên tinh thần rõ ràng, cụ thể thì tạo chuyển biến tích cực. Một số cơ quan Quốc hội tổ chức tái giám sát, không giám sát cả gói như trước. Không khí chất vấn sôi nổi, ấn tượng, không chỉ đại biểu chuyên trách có kinh nghiệm mà rất nhiều đại biểu trẻ săn sàng đứng lên tranh luận, thảo luận rõ chính kiến, mang tính xây dựng…”
Thảo luận cụ thể Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ĐBQH cũng cho rằng, báo cáo cần đánh giá sâu và quan tâm hơn vấn đề tăng cường đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của Quốc hội và ĐBQH. Các đại biểu thẳng thắn cho rằng, công tác giám sát sau mỗi kỳ họp Quốc hội chưa sâu sát, chưa nắm chắc tình hình mọi mặt của đất nước.
“Trên cương vị công tác của mình, cần phải nắm chắc tình hình của đất nước tại địa phương mà mình ứng cử, như vậy mới nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội khoá XV. Nâng cao hoạt động Quốc hội mà linh hồn của Quốc hội là các ĐBQH. Tôi cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đánh giá sâu về tác phong của ĐBQH. Nhất là ĐBQH có chức vụ cao”, đại biểu Thào Xuân Sùng, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhấn mạnh./.