Quốc hội Việt Nam - Lào trao đổi kinh nghiệm về hoạt động chất vấn
VOV.VN - Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào tập trung trao đổi về Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam...
Ngay sau khi kết thúc hội đàm, trưa 6/12 tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Xaysomphone Phomvihane đã đồng chủ trì Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào. Hội thảo là hoạt động cụ thể hóa các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa hai Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hội thảo là hoạt động thiết thực, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận cấp cao hai Đảng, hai nước năm 2021 và những năm tiếp theo trên kênh hợp tác Quốc hội hai nước, thể hiện sinh động mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng, dày công vun đắp và ngày càng phát triển.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội hai nước đã tổ chức 8 Hội thảo chuyên đề trong đó có 4 Hội thảo do Chủ tịch Quốc hội hai nước đồng chủ trì. Quốc hội Việt Nam khóa XV và khóa IX của Lào cũng đã tổ chức 1 Hội thảo cấp Ủy ban tháng 10 vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, qua các Hội thảo, Quốc hội hai nước đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý trên các lĩnh vực hoạt động. Tiếp nối thành công này, Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào tập trung trao đổi về Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam và kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam trong việc xem xét, quyết định các dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
"Tại Hội thảo này, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội của hai nước sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với mục tiêu xây dựng một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển của mỗi nước trong giai đoạn tới. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, với quyết tâm này, sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội không ngừng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, góp phần đưa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào lên tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thực của Nhân dân hai nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Xaysomphone Phomvihane khẳng định, hội thảo lần này là cơ hội tốt cho Quốc hội Lào được lắng nghe các bài học, cùng nhau trao đổi ý kiến theo chuyên đề, nhằm góp phần tăng cường thực hiện vai trò, quyền và nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, đây là bài học quý báu cho phía Lào trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế quốc gia và hội nhập khu vực và quốc tế.
Tại cuộc hội thảo, các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào đã trao đổi về các nội dung: cơ chế tiếp nhận những khiếu lại, tố cáo của nhân dân, đặc biệt là những quyết định thuộc lĩnh vực tòa án; trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng tại các phiên chất vấn; quy trình lấy phiếu tín nhiệm; việc nghiên cứu, sửa đổi luật theo quy trình một luật sửa nhiều luật…
Trả lời câu hỏi liên quan đến chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về nguyên tắc, Quốc hội Việt Nam, từng đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn tất cả những chức danh do Quốc hội bầu ra, bao gồm là 50 chức danh. Từ kết quả chất vấn, trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ tiến hành đánh giá chất lượng của những người mà mình bầu ra hoặc phê chuẩn ở giữa kỳ cùng với ý kiến đánh giá của cử tri. Hiện có 3 mức độ, tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Trung ương Đảng vừa mới thông qua và giao cho Bộ Chính trị ban hành quy định về miễn nhiệm, từ chức. Các cá nhân nếu thấy không có đủ uy tín, sẽ xin từ nhiệm.
Trả lời về giải quyết khiếu nại tố cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong quá trình phát triển, đất nước nào cũng xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo. Tại Việt Nam, đơn thư khiếu nại, tố cáo tập trung nhiều vào các vấn đề liên quan đến đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường, các lĩnh vực này chiếm khoảng 70% số đơn khiếu nại, tố cáo liên quan. Trách nhiệm xử lý, trước hết là của Chính phủ.
Còn với Quốc hội, hàng năm, Quốc hội đều yêu cầu, toà án, viện Kiểm sát, các cơ quan điều tra, báo cáo vấn đề oan sai trong tố tụng tư pháp. Quốc hội có trách nhiệm giám sát và sẽ truy đến cùng trách nhiệm người giải quyết thế nào. Đây cũng là một nội dung trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ tại hoạt động của Quốc hội hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tiến hành giám sát tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về nội dung này. Dự kiến sẽ kiểm đếm lại khoảng 500 vụ việc khiếu nại phức tạp nhất là về đất đai, tài nguyên môi trường kéo dài để lập hồ sơ; đồng thời yêu cầu Chính phủ, cơ quan Thanh tra giải quyết trong nhiệm kỳ này.
Chủ tịch Quốc hội Lào cho rằng, những kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo có giá trị rất lớn, là bài học vô cùng quý báu cho hoạt động của Quốc hội Lào; đồng thời mong muốn, trong thời gian tới, các Ủy ban cũng như là các cơ quan hữu quan của Quốc hội Việt Nam và Lào sẽ tiếp tục gặp gỡ, trao đổi những bài học kinh nghiệm để Quốc hội Lào nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác./.