Quy định về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam
VOV.VN -Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Đề nghị phải tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra
Ngày 14/10, thảo luận về dự án Luật tạm giữ, tạm giam trong phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu đề nghị, cần quán triệt đầy đủ tinh thần của Hiến pháp 2013 vào Luật này, nhất là các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Luật tạm giữ, tạm giam, cần quán triệt đầy đủ tinh thần của Hiến pháp 2013. |
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý trong dự án Luật tạm giữ, tạm giam. Theo nhiều đại biểu, quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam hiện nay được quy định ở nhiều văn bản Luật khác nhau và cũng đang có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013. Do đó, việc liệt kê tất cả các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng hoặc bị hạn chế vào dự thảo Luật này là không khả thi, dẫn đến trùng lắp, chồng chéo và cũng không bảo đảm tính linh hoạt khi phải sửa đổi, bổ sung. Do đó, nhiều ý kiến tán thành với dự án Luật theo hướng quy định một số quyền, nghĩa vụ cơ bản nhất, trực tiếp liênq uan đến người bị tạm giữ, tạm giam, còn các quyền khác được thực hiện như thế nào sẽ do các đạo luật chuyên ngành điều chỉnh.
Liên quan đến hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, trước đây, hệ thống này do cơ quan điều tra quản lý, phụ trách và chỉ đạo. Tuy nhiên, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, Bộ Công an đã có chủ trương tách bộ phận điều tra ra khỏi bộ phận tạm giữ, tạm giam, đồng thời giao bộ phận tạm giữ, tạm giam cho cơ quan thi hành án hình sự và bổ trợ tư pháp thực hiện. Riêng với 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay vẫn do Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an quản lý.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, quy định này chưa phù hợp và đề nghị phải tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra: “Đề nghị 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay cần phải giao về cho cơ quan thi hành án hình sự và bổ trợ tư pháp, gọi là cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thực hiện. Còn không để ở Tổng cục an ninh hoặc tổng cục cảnh sát vì để ở 2 tổng cục này thì vẫn liên quan đến hoạt động điều tra và chỉ đạo điều tra thì nó sẽ không đảm bảo tính khách quan”.
Liên quan đến nguyên tắc “Suy đoán vô tội” trong dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), các ý kiến đều tán thành với quy định trong dự thảo Luật. Theo đó, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Về tranh tụng trong tố tụng hình sự, các ý kiến đề nghị quy định rõ tranh tụng phải được tiến hành ở cả 3 giai đoạn: Sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm; đồng thời phải đề cao vai trò của luật sư trong tranh tụng./.