Quyền Bộ trưởng Y tế: Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia điều trị HIV/AIDS tốt nhất
VOV.VN - “Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thuỵ Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới”.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết điều này khi trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) tại phiên họp toàn thể lần thứ 18 của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, sáng 28/9.
Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.
Theo đánh giá của UNAIDS, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị lây nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do AIDS.
“Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thuỵ Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng” – ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, luật hiện hành đang còn nhiều bất cập, hạn chế, trong đó chưa có quy định cụ thể ai được quyền tiếp cận thông tin người nhiêm HIV, điều này dẫn đến người nhiễm vẫn làm lây cho người khác.
Do đó, Dự thảo luật bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị.
Cụ thể “người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ giám sát dịch HIV/AIDS thuộc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phòng chống HIV/AIDS tại các cấp” được thông báo kết quả xét nghiệm HIV để thống kê, đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng của họ.
Những người được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV gồm: Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ giám sát dịch vụ HIV/AIDS; người đứng đầu được giao nhiệm vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm HIV”. Đồng thời quy định phạm vi và nội dung thông tin của người nhiễm HIV được tiếp cận để đảm bảo giữ bí mật thông tin của người nhiễm HIV, nhưng vẫn thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi được giao.
Đề nghị cân nhắc kỹ
Về việc bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, ông Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho biết, hiện vẫn có hai loại ý kiến là đồng tình và chưa đồng tình.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, ông Đặng Thuần Phong nhấn mạnh, quyền bảo mật thông tin của người nhiễm HIV phải được bảo đảm, do đó quy định cần hài hoà mục tiêu quản lý Nhà nước nhưng cũng đảm bảo quyền hợp pháp của người bệnh và phù hợp với khuyến nghị của quốc tế.
“Qua giám sát cho thấy có một số nhóm đối tượng biết thông tin người nhiễm HIV khi thực hiện công vụ, nghiên cứu, tiếp cận hồ sơ bệnh án... Vì vậy, đề nghị tiếp cận nhóm vấn đề này một cách bao quát hơn, không gây phát sinh vấn đề pháp lý bất lợi” – ông Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.
Bày tỏ đồng tình với quy định mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng- Phó trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh, chúng ta không đặt nặng vấn đề quản lý nhà nước song quản lý nhà nước cũng không ngoài cuộc.
“Không thể lấy lý do bí mật đời tư để làm giảm nhẹ vai trò quản lý Nhà nước, vì quản lý Nhà nước ở đây là để phòng chống lây nhiễm, giảm nguy cơ cho xã hội vì khi một người nhiễm HIV thì nguy cơ lây nhiễm là hiện hữu” – ông Nhưỡng nêu ý kiến và cho rằng, việc bổ sung quy định nhằm phục vụ phần đông người dân trong xã hội - những người chịu nguy cơ rủi ro.
Tuy vậy, liên quan đến quy định thông báo kết quả xét nghiệm dương tính HIV với vợ, chồng, người có quan hệ tình dục..., ông Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề dự thảo Luật đưa vào thành nghĩa vụ thông báo thì có đưa một chế tài khống chế nào đó không để đảm bảo chặt chẽ.
Cũng có ý kiến băn khoăn đối tượng ở cơ sở y tế được thông báo trong dự thảo quy định cụ thể nhưng sinh viên thực tập được phân công điều trị, chăm sóc thì có được cung cấp thông tin hay không cũng cần được xem xét./.
Dự thảo quy định độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV.