Sáng nay, Quốc hội thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi
VOV.VN - Quốc hội đã tiếp thu tinh hoa, trí tuệ từ nhân dân thông qua các đại biểu phản ánh ở nghị trường.
Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng nay (28/11), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức được các đại biểu thông qua. Trước đó, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận tại tổ và hội trường về bản Dự thảo này.
Đại biểu ấn nút thông qua luật tại Quốc hội (Ảnh: VPQH) |
Phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Hiến pháp có một ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đảm bảo cho sự phát triển của đất nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội: Dự thảo Hiến pháp đã được chuẩn bị công phu và triển khai, lấy ý kiến mọi tầng lớp nhân dân trong hai năm qua. Tiếp đó, tại các kỳ họp Trung ương, Bộ Chính trị đều đã đưa ra ý kiến và được tiếp thu đầy đủ. Với tinh thần rất khiêm tốn, cầu thị Quốc hội cũng đã tiếp thu tinh hoa, trí tuệ từ nhân dân thông qua các đại biểu phản ánh ở nghị trường.
Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, mặc dù còn có điểm có những ý kiến chưa thống nhất, song Hiến pháp khi thông qua sẽ có được sự đồng thuận cao nhất.
Ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội, khi tổng kết các ý kiến đại biểu cũng khẳng định: Nhìn chung ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự tán thành với bố cục và nội dung của Dự thảo Hiến pháp. Các đại biểu cho rằng, bản Dự thảo Hiến pháp đã thể hiện được mục tiêu, quan điểm, định hướng lớn, những vấn đề có tính nguyên tắc về bản chất của nhà nước và chế độ ta đã được nêu trong nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội.
Dự thảo đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, phù hợp với tình hình của đất nước. Các vị đại biểu Quốc hội đã góp nhiều ý kiến cụ thể với những lập luận sâu sắc và thuyết phục vào một số nội dung của Dự thảo.
Theo ông Uông Chu Lưu, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu một cách tối đa giải trình đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, với tinh thần để xây dựng một bản Hiến pháp có chất lượng tốt nhất trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, một trong những người trực tiếp giúp Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân và đại biểu Quốc hội, đến thời điểm này, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã đủ điều kiện để thông qua./.