Sau bao lâu bí mật Nhà nước được giải mật?
VOV.VN - Tùy vào mức độ “Tuyệt mật”, “Tối mật” hay “Mật”, các bí mật nhà nước sẽ được giải mật sau thời gian bảo vệ theo luật định.
Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước vừa được trình Quốc hội vào chiều 25/10.
Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, qua thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước (có hiệu lực năm 2001) và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay.
Thực tế từ 2001 đến nay, nước ta đã phát hiện khá nhiều vụ việc lộ, mất bí mật nhà nước mà một trong những nguyên nhân là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe…
Bên cạnh đó, trong bối cảnh quốc tế ngày càng trở nên phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, bọn tội phạm trong và ngoài nước không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá Việt Nam... Do đó, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước trước Quốc hội, chiều 25/10 |
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, thực hiện chủ trương của Đảng về công khai, minh bạch hóa thông tin; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, tạo điều kiện để công dân thực hiện các quyền cơ bản theo quy định của Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật quy định cụ thể thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước (Tuyệt mật: 30 năm; Tối mật: 20 năm; Mật: 10 năm).
Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước được gia hạn nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Điều 21 của dự thảo Luật quy định bí mật nhà nước được giải mật trong các trường hợp: Hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định; Đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế; Thay đổi của tình hình thực tế dẫn đến việc bảo vệ bí mật nhà nước không còn cần thiết; và không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cho biết, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cụ thể việc giải mật, tiêu hủy bí mật nhà nước để bảo đảm việc đầu tư, sử dụng các nguồn lực bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu quả, không lãng phí.
Ý kiến này cũng đề nghị việc tiêu hủy bí mật nhà nước cũng cần có tiêu chí cụ thể để làm căn cứ quyết định việc tiêu hủy bí mật nhà nước. Mặt khác, việc tiêu hủy bí mật nhà nước chỉ phù hợp với các tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, không phù hợp với bí mật nhà nước là thông tin. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu thiết kế lại để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng hơn và có tính khả thi, đồng thời tránh việc tiêu hủy tùy tiện.
Theo chương trình, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án luật này vào ngày 22/11./.