Tân ĐBQH: Chuyện phong bì không phải là “đặc sản” của ngành Y
VOV.VN -Giám đốc BV Tim HN Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, chuyện phong bì không phải là “đặc sản” của ngành Y mà thực tế ngành nào cũng có.
Được đông đảo cử tri tín nhiệm, bầu chọn làm đại biểu Quốc hội khóa XIV, PGS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn-Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, ông rất vui và tự hào. Song, ông biết mình “nợ” cử tri, “nợ” lời hứa của mình trong tôn chỉ hành động sẽ đeo bám và thực hiện bằng được trong nhiệm kỳ Quốc hội mới.
Trách nhiệm với lá phiếu cử tri
PV: Khi vào Quốc hội, ông mong muốn đóng góp điều gì nhất?
BS Nguyễn Quang Tuấn: Tôi ý thức rằng, trở thành ĐBQH, tôi sẽ có điều kiện mang tiếng nói từ cơ sở, những kinh nghiệm thực tiễn đến với diễn đàn lớn của nhân dân. Do đó có điều kiện đưa y tế đến gần nhân dân, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, đó cũng là yêu cầu mà cử tri đã gửi gắm.
Trước những tình cảm của người dân, những người đã dành lá phiếu tín nhiệm cho mình, tôi thấy trách nhiệm của mình cần phải làm thật tốt, toàn tâm toàn ý trong nhiệm kỳ để làm sao thỏa mãn càng nhiều càng tốt nhu cầu thiết thực của người dân; truyền đạt càng trung thực, càng rõ ràng, đầy đủ đến các cơ quan chức năng.
PV: Là một lãnh đạo bệnh viện lớn, khi tham gia Quốc hội, ông có còn nhiều thời gian cho công việc dân cử?
BS Nguyễn Quang Tuấn: Là lãnh đạo bệnh viện hay bất kỳ ai đó khi ứng cử đại biểu Quốc hội hay là đại biểu chuyên trách thì họ phải dành thời gian như nhau cả. Khi đã vào Quốc hội rồi thì người đại biểu phải bố trí thời gian một cách đầy đủ, tham gia các hoạt động của Quốc hội cũng như tham gia các chương trình tiếp xúc cử tri. Đó là điều bắt buộc của các ứng cử viên khi tham gia Quốc hội.
PV: Ở kỳ Quốc hội trước, có những đại biểu cả kỳ họp ít phát biểu, ít thể hiện chính kiến của mình. Ông sẽ làm gì để không rơi vào số đó?
BS Nguyễn Quang Tuấn: Không phải đại biểu muốn nói gì thì nói vì đây là diễn đàn Quốc hội- cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, thể hiện trí tuệ của toàn dân, thể hiện những mong muốn, ý kiến của cử tri gửi gắm vào các đại biểu để truyền đạt tới các cơ quan chức năng không chỉ trong vấn đề làm luật mà còn liên quan đến những vấn đề quan trọng khác.
Vì vậy những đại biểu không có hiểu biết sâu và tầm nhìn rộng thì khó có thể đưa ra những bài phát biểu, những câu chất vấn cho các thành viên của Quốc hội. Chính vì thế, không thể nói là tất cả mọi người đều nói được, Rõ ràng có rất nhiều người trong 5 năm tham gia Quốc hội không thấy phát biểu câu nào.
Tôi tin rằng, với chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỷ lệ đó sẽ ít hơn. Khi đã tham gia vào Quốc hội thì bắt buộc phải đầu tư thời gian, dù công việc chuyên môn có bận thế nào vì đó còn là trách nhiệm với cử tri. Bên cạnh đó, bản thân tôi sẽ không ngừng rèn luyện, tăng cường hiểu biết của mình về những việc khác ngoài chuyên môn, tham gia đóng góp thực sự hữu ích cho Quốc hội, đất nước, đặc biệt là với cử tri của mình.
PGS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn trực tiếp can thiệp tim mạch tại bệnh viện |
BS Nguyễn Quang Tuấn: Điều quan trọng nhất mà tôi quan tâm hiện nay là một Chính phủ tốt thì phải công khai, minh bạch, dân chủ. Nếu chúng ta không rõ ràng, không minh bạch, không công khai mà chỉ hô khẩu hiệu “người dân là chủ” một cách chung chung như vậy thì sẽ rất khó. Khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” có vẻ chỉ là khẩu hiệu nhiều hơn, vì nếu điều đó là thực tế thì vô cùng có lợi không chỉ cho người dân mà còn cho Chính phủ.
So với trước đây, chúng ta đã minh bạch, công khai, dân chủ hơn rất nhiều, tuy nhiên, khi tiếp xúc với các cử tri thấy rằng họ cũng chưa thỏa mãn với các điều kiện hiện nay. Đó cũng là vấn đề tôi quan tâm nhất hiện nay, làm sao để tạo ra được xã hội văn minh hơn, công bằng hơn, thực sự vì dân.
Chuyện phong bì không phải là "đặc sản" của ngành Y
PV: Thời gian này, ngành Y đang đối mặt với nhiều “tai tiếng”. Là một bác sĩ, là đại biểu dân cử, khi tham gia Quốc hội ông sẽ làm gì để người dân hiểu đúng về ngành của mình?
BS Nguyễn Quang Tuấn: Tôi cũng không chờ khi cử tri tín nhiệm bầu mình làm đại biểu Quốc hội thì mới làm, mà vấn đề này tôi đã làm từ rất lâu. Bệnh viện Tim Hà Nội là một ví dụ về việc nói “không” với y đức xuống cấp, nói “không” với phong bì.
Vì sao tôi lại dám mạnh bạo đưa ra tôn chỉ hành động như vậy vì từ cơ sở để hiểu đâu là nguyên nhân, là gốc rễ vấn đề. Khi điều trị mà điều trị triệu chứng thôi thì bệnh sẽ tái phát và sẽ gây nặng. Tương tự như vậy, người ta thấy chuyện y đức, chuyện phong bì mà không tìm hiểu bản chất của nó thì sẽ không điều trị được.
Hiện nay, thu nhập của nhân viên y tế quá thấp, vì vậy muốn tồn tại được, người ta làm những điều không được minh bạch, không được công nhận. Vì sao BV Tim Hà Nội nói “không” với phong bì? Vì BV Tim Hà Nội là bệnh viện công, tự chủ về tài chính, không phụ thuộc vào ngân sách nên có những cái độc lập riêng nhưng cũng có những rủi ro riêng. Nó như đứa con ra ở riêng, xa “bầu sữa” mẹ và không được dựa dẫm vào sự bao cấp của bố mẹ nữa.
BV Tim Hà Nội muốn tồn tại và phát triển được thì phải thay đổi chuyên môn. Chuyên môn cao là y đức tối cao của bác sĩ, chuyên môn cao để tranh giành sự sống cho người bệnh và đây chính là điều mà người bệnh cần bác sĩ.
Chuyện phong bì hay hành vi ứng xử không phải là “đặc sản” của ngành Y mà thực tế ngành nào cũng có. Song ngành Y là ngành nhạy cảm, do vậy bị “soi” nhiều hơn.
Để giải quyết hành vi ứng xử, hay chuyện phong bì thì trước hết cuộc sống của cán bộ, nhân viên y tế cần được đảm bảo. Bác sĩ cũng là con người, họ còn có gia đình, con cái. Họ được đào tạo rất vất vả, rất kỳ công, trong khi kiến thức y khoa thì mênh mông. Hãy nhìn nhận một cách công bằng, đừng nhìn nhận một cách cay nghiệt về ngành Y. Nếu đặt vào vị trí của người thầy thuốc, là nhân viên y tế thì chúng ta sẽ hiểu thực tế là như thế nào.
Điều quan trọng nhất cơ chế tự chủ là thay đổi chuyên môn. Chuyên môn là điều cần nhất, vì khi có chuyên môn thì sẽ có uy tín, có thu nhập thì khi đó nhũng nhiễu cũng sẽ tự bớt đi, vì không ai không xấu hổ khi chìa tay cầm phong bì nếu họ là con người có liêm xỉ.
Thứ hai, làm y tế chuyên sâu thì không được quên cơ sở, vì cơ sở chính là gốc. Muốn thay đổi hình ảnh y tế thì phải thay đổi hình ảnh tuyến cơ sở chứ không phải y tế chuyên sâu.
Những năm qua, khi trực tiếp đến các địa phương, chúng tôi hiểu và đồng cảm với những khó khăn của y tế tuyến cơ sở. Khó khăn nhất ở đây là họ không được đào tạo bài bản, không được quan tâm về cơ sở vật chất. Bản thân họ nhìn họ đã chán rồi, người dân nhìn họ còn chán hơn thì lấy đâu ra lòng tin. Vì vậy, người dân cũng nên hiểu, đồng hành và thông cảm cho người thầy thuốc và Nhà nước cũng nên đầu tư thêm cho các tuyến cơ sở. Nói gần dân, hiểu dân thì thực sự cần hành động.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
19 Ủy viên Bộ Chính trị trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV