“Thanh niên có học, con em cán bộ nhập ngũ không nhiều”
VOV.VN -Ý kiến trên được đưa ra khi thảo luận về Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi tại phiên họp của Ủy ban Quốc phòng- An ninh.
Sáng nay (4/9), tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIII đã khai mạc phiên toàn thể lần thứ 15. Phiên họp diễn ra trong 2 ngày 4 và 5/9 với sự tham dự của ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tại phiên họp lần này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ thẩm tra 3 dự án: Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi, Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và Nghị quyết của Quốc hội về lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình thế giới.
Trong sáng nay, phiên họp lấy ý kiến về phạm vi điều chỉnh Luật, quan điểm sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi; tập trung làm rõ về một số nội dung cơ bản của dự án Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi, như: khái niệm nghĩa vụ quân sự, quyền và nghĩa vụ quân nhân, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ; độ tuổi gọi nhập ngũ, về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ...
Đa số các ý kiến tại phiên họp đánh giá cao tờ trình số 305 của Chính phủ ngày 27/8 trình Quốc hội và tán thành quy định thu hẹp đối tượng tạm hoãn nhập ngũ, chỉ tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông và sinh viên đại học chính quy. Còn đối với công dân đang học, hoặc trúng tuyển vào cơ sở không chính quy sẽ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả học tập.
Một số ý kiến cũng cho rằng, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nên nâng từ 18 tháng lên 24 tháng thì khi đất nước cần, lực lượng này mới có đủ khả năng tham gia chiến đấu.
Đại biểu Nguyễn Xuân Tỷ, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh quân khu 9 nói: “Số thanh niên nông thôn, nghèo, ít học đi nhập ngũ rất lớn. Trong khi đó thanh niên có học, con em cán bộ thì nhập ngũ không nhiều. Phải hạn chế tạm hoãn để nâng cao số thanh niên có trình độ vào quân đội. Điều này cũng nâng cao trình độ quân đội”./.