Thiếu hành lang pháp lý khiến lọt lộ nhiều tài liệu mật trên không gian mạng
VOV.VN - "Chỉ trong vòng 3 năm qua, có hơn 150 vụ lọt lộ tài liệu mật trên không gian mạng, trong đó có cả những tài liệu tuyệt mật và tối mật"- ĐBQH Nguyễn Minh Đức cho biết tại thảo luận tổ sáng 6/1.
Sáng 6/1, phát biểu phiên thảo luận tổ về Dự án “1 luật sửa 8 luật” (Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự), nhiều ĐBQH đồng tình về việc bổ sung dịch vụ an ninh mạng vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
ĐBQH Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, khi xây dựng Luật An ninh mạng, có rất nhiều ý kiến cho rằng đã có Luật an toàn thông tin mạng thì không cần xây dựng Luật này, vì có rất nhiều đối tượng điều chỉnh bị trùng lặp, tuy nhiên, không phải như vậy. Theo báo cáo của Bộ Công an, 3 năm qua có hơn 150 vụ lộ lọt tài liệu bí mật trên không gian mạng, trong đó có cả những tài liệu tối mật, tuyệt mật.
Vị đại biểu đặt câu hỏi "Phải chăng do các cơ quan bảo vệ an ninh mạng của chúng ta làm việc chưa tốt hay chưa xong nhiệm vụ?”, song ông cũng khẳng định, nguyên nhân không nằm ở đó mà do chúng ta ngoài sức kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm dịch vụ an ninh mạng từ nước ngoài vào, kể cả sản phẩm sản xuất trong nước. Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, Luật An ninh mạng hiện chưa có quy định khái niệm về sản phẩm dịch vụ an ninh mạng, chưa có quy định pháp luật trong việc quản lý nhà nước về ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với sản phẩm và dịch vụ an ninh mạng. Vì vậy, dẫn đến câu chuyện khó khăn cho các lực lượng an ninh mạng, vì vậy rất cần có một hành lang pháp lý.
ĐB Nguyễn Minh Đức cho biết, theo một khảo sát, có những sản phẩm về phần cứng, khi đưa vào sử dụng đã cài sẵn một loại virus. Loại virus này, theo lệnh chỉ thực hiện 1-2 lần và 2 lần đó nó sẽ tự động chiếm đoạt toàn bộ tài liệu của đơn vị sử dụng, sau đó tự động chuyển về. Trong đó đặc biệt rất nhiều sản phẩm như camera - hiện nhiều gia đình đang sử dụng, được sản xuất bởi nhiều công ty có giấy phép. Những sản phẩm này kết nối wifi, tự động chuyển về nơi sản xuất ra phần mềm, phần cứng đó, nên vô cùng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin an ninh quốc gia.
"Chính phủ đã giao Bộ Công an và Bộ Quốc phòng phối hợp để xây dựng Nghị định để chỉ rõ sản phẩm dịch vụ nào thuộc về an ninh mạng, thuộc về an toàn thông tin để quản lý tốt nhất bằng hình thức ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng vì Luật An ninh mạng chưa có điều khoản quy định về nội dung này nên Chính phủ đã đề xuất sửa đổi bổ sung vào trong Luật Đầu tư, từ đó làm cơ sở pháp lý mới xây dựng được Nghị định, còn nếu không sẽ "bó tay" cho các lực lượng an ninh mạng.
Đồng quan điểm trên, ĐBQH Đỗ Quang Thành (Cao Bằng) cho rằng, các sản phẩm thuộc dịch vụ an ninh mạng đang lưu hành trên thị trường nhưng hiện chưa có văn bản nào để quản lý chặt chẽ. Dù luật an ninh mạng đã có hiệu lực 2 năm nay, song vẫn chưa có văn bản dưới luật được ban hành nên khó có tính khả thi. Do đó, cần đưa dịch vụ an ninh mạng vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để quản lý một cách chặt chẽ./.