Thống nhất trình Quốc hội phê chuẩn 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA
VOV.VN - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Chiều 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 44. Trước khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc, Ủy ban TVQH thống nhất trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, đi cùng với những lợi ích, Hiệp định EVFTA cũng mang lại một số thách thức. Các đại biểu đề nghị, làm rõ những thuận lợi và thách thức như: Hiệp định tạo ra sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ từ châu Âu cho doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi thương mại, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững…. đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả chủ trương cải cách thủ tục hành chính.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên họp 44. |
Một số ý kiến cũng đề nghị, Chính phủ đánh giá thêm tác động của Hiệp định sau đại dịch Covid-19. Song song với việc chỉ ra được các thách thức, Chính phủ cần dự báo xu hướng phát triển kinh tế quốc tế; đề ra được các giải pháp xử lý đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh chính trị và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc áp dụng tự động hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ có ảnh hưởng đến nhóm ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Do đó cần đánh giá cụ thể hơn cả tác động tích cực, tiêu cực đến các ngành và nhìn nhận lại năng lực của Việt Nam để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phát huy thế mạnh để tận dụng các cơ hội và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ Hiệp định, có chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng từ Hiệp định.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn thách thức nhưng với trách nhiệm cao, Chính phủ đã phối hợp bàn chuẩn bị phê chuẩn 2 Hiệp định quan trọng, thể hiện thiện chí của Việt Nam là đối tác thủy chung, kiên trì và có trách nhiệm với các nước trên thế giới.
“Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh và biểu dương đoàn đàm phán và kí kết 2 Hiệp định quan trọng này. Quốc hội Việt Nam và EU đều mong muốn ký kết sớm và được thực thi có hiệu quả. Qua thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp thứ 9”, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần có Nghị quyết riêng kèm theo Hiệp định và được công bố với thời hiệu trong 5 năm. Nghị quyết của Quốc hội cũng có hiệu lực như Luật, điều chỉnh các mối quan hệ mới để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Chính phủ phải có lộ trình, bước đi và cách làm cụ thể sau khi Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, sớm có thông báo kết luận đến các cơ quan hữu quan để chuẩn bị tài liệu, cho ý kiến vào các nội dung còn lại để trình phiên họp 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào tháng 5 tới.
Nới lỏng giãn cách nhưng không nới lỏng công việc
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với sự vào cuộc quyết liệt, đoàn kết, chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, đến thời điểm này dịch Covid-19 đạt kết quả đáng tự hào. Giai đoạn nguy hiểm của dịch đã qua nhưng không chủ quan, tránh để tái lây nhiễm trong cộng đồng. Cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch để hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch lây lan, nhất là trong kỳ nghỉ lễ 30/4 sắp tới.
Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, mặc dù đã qua giai đoạn nguy hiểm nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn quyết định tổ chức kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sắp tới diễn ra trong 2 đợt.
“Kỳ họp sẽ tổ chức trực tuyến 1/2 thời gian và nếu tình hình kiểm soát dịch tốt như hiện nay sẽ họp tập trung tại hội trường. Nếu tái nhiễm bệnh sẽ họp trực tuyến suốt kỳ họp. Do đó tiếp tục nỗ lực, chủ động hơn nữa triển khai nhiệm vụ, tiếp tục nới lỏng giãn cách nhưng không nới lỏng công việc. Cần gấp rút thực hiện các công việc còn lại để kịp trình 2 hiệp định ra Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan phối hợp chuẩn bị cho kỳ họp đặc biệt này”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh./.