Thu hút PPP: Cần cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư

VOV.VN - Nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư để tạo sự hấp dẫn của Luật PPP.

Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp 44, sáng nay (20/4), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Nên 50%-50%

Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận là cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, quy định phải thể hiện tư duy cởi mở khi có sự đan xen sở hữu để huy động vốn giữa nhà nước và tư nhân, qua đó thu hút nhà đầu tư. Bà cũng đồng tình với việc chia sẻ tăng, giảm doanh thu và rủi ro thì nên 50%-50%.

Còn theo ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội, dự luật nếu không có chế định chia sẻ rủi ro thì khó tạo sức hút, tạo động lực của luật này. Ý kiến chuyên gia cho thấy, kinh nghiệm quốc tế đều có sự chia sẻ trong PPP. Tăng thu chia sẻ 50%-50% thì hụt thu, thất thu do lỗi khách quan và chủ quan của Nhà nước (như điều chỉnh quy hoạch, chính sách làm ảnh hưởng) thì cũng cần theo tinh thần chia sẻ như nhau.

Phiên họp 44 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Ở góc độ khác, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì cho rằng, nhìn chung, các quy trình còn chặt hơn cả đầu tư công, tuy nhiên, trách nhiệm Nhà nước trong thanh toán thế nào không nói đến.

“Họ thi công xong rồi lại chạy xin, chờ thanh toán. Nhà nước phải cam kết thì người ta mới yên tâm, nếu không họ sợ chả dám làm. Xin thanh toán được mệt lắm” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, dự thảo luật thiết kế hai phương án. Các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để hạn chế việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần và tránh thủ tục phức tạp, kéo dài, dự thảo Luật quy định trường hợp thay đổi tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên thì mới phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP. Tuy nhiên, cần có trần điều chỉnh là bao nhiêu để đảm bảo chặt chẽ.

Quy định này nhằm quản lý chặt chẽ dự án, tránh tình trạng lách luật (cố tình lập dự án với tổng mức đầu tư thấp, sau khi được phê duyệt lại điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư), tăng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức lập, trình dự án PPP và cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công.

 “Quy định không chặt thì suốt ngày đi hầu kiện”

Liên quan đến áp dụng luật và điều ước quốc tế, dự án luật thiết kế 2 phương án. Theo đó phương án 1 quy định trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án PPP; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án PPP; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của Luật này.

Lý do được đưa ra là nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.

Tuy nhiên phương án 2 không quy định với quan điểm cho rằng không phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp cần ưu tiên áp dụng Luật PPP so với các luật khác tại các nội dung cụ thể của Luật PPP thì cần chỉ rõ tại điều khoản quy định về nội dung đó.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị áp dụng phương án 1, bởi nếu không có cam kết ngay của Nhà nước thì nhà đầu tư không yên tâm và khó thu hút.

Ông Hoàng Thanh Tùng – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng nhấn mạnh, dự án luật này liên quan đến nhà đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và kinh nghiệm cho thấy có trường hợp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật, do đó nếu không quy định thì có thể xảy ra tranh chấp, khi đó khó giải quyết.

Trong phần kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý việc đảm bảo thống nhất của hệ thống luật là nguyên tắc hàng đầu. Song cần có quy định đặc thù để triển khai PPP một cách hợp ý, thu hút được đầu tư với điều kiện phải chỉ rõ cái nào là đặc thù và khi đó áp dụng luật nào, dẫn chiếu cụ thể.

“Nếu quy định không chặt thì suốt ngày đi hầu kiện, chúng ta có những bài học rồi, phải ghi cụ thể nếu có áp dụng thì khoản nào, điều nào. Do đó phải rà soát thật kỹ, mất thời gian cũng phải rà” – ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xem xét thành lập 3 thị xã thuộc Thanh Hóa, Bình Định và Phú Yên
Xem xét thành lập 3 thị xã thuộc Thanh Hóa, Bình Định và Phú Yên

VOV.VN - Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập 3 thị xã Nghi Sơn, Hoài Nhơn và Đông Hòa. Nội dung này sẽ được trình UBTVQH quyết định.

Xem xét thành lập 3 thị xã thuộc Thanh Hóa, Bình Định và Phú Yên

Xem xét thành lập 3 thị xã thuộc Thanh Hóa, Bình Định và Phú Yên

VOV.VN - Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập 3 thị xã Nghi Sơn, Hoài Nhơn và Đông Hòa. Nội dung này sẽ được trình UBTVQH quyết định.

Quốc hội sẽ họp trực tuyến một nửa kỳ họp thứ 9 do Covid-19
Quốc hội sẽ họp trực tuyến một nửa kỳ họp thứ 9 do Covid-19

VOV.VN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quốc hội sẽ tiến hành họp trực tuyến một nửa thời gian kỳ họp. Sau đó, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Quốc hội sẽ họp trực tuyến một nửa kỳ họp thứ 9 do Covid-19

Quốc hội sẽ họp trực tuyến một nửa kỳ họp thứ 9 do Covid-19

VOV.VN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quốc hội sẽ tiến hành họp trực tuyến một nửa thời gian kỳ họp. Sau đó, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ họp vào ngày 20/4 tới
Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ họp vào ngày 20/4 tới

VOV.VN - Tại phiên họp 44, UB Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, cho ý kiến về một số dự án Luật; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 của Quốc hội

Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ họp vào ngày 20/4 tới

Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ họp vào ngày 20/4 tới

VOV.VN - Tại phiên họp 44, UB Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, cho ý kiến về một số dự án Luật; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 của Quốc hội