Thủ tướng: Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng
VOV.VN -Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi.
Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015 do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII nêu rõ: Trong gần 3 năm, qua thanh tra đã phát hiện 319 vụ việc với 517 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra 111 vụ và 235 cá nhân; xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu.
Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao, ít phát hiện tham nhũng; xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015 (Ảnh:Chinhphu) |
Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong nhân dân chậm được khắc phục; lãng phí thời gian, nguồn lực còn lớn; ý thức tiết kiệm chưa được đề cao…
Theo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân: Cử tri và nhân dân cũng cho rằng, trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhiều nơi thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp.
Các vụ tham nhũng chủ yếu bị phát giác thông qua tố cáo của người dân và các cơ quan báo chí; việc tự phát hiện và phát hiện qua thanh tra, kiểm tra còn rất hạn chế. Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng xử lý kỷ luật hành chính để không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, bỏ lọt tội phạm.
Cử tri và nhân dân kiến nghị đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, điều tra truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, đặc biệt là với 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Về giải pháp cho vấn đề phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, báo cáo khẳng định cần thực hiện nghiêm pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; triệt để tiết kiệm, nhất là trong hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài…
Tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm; đề cao trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng; hoàn thiện cơ chế chính sách, công khai minh bạch trong công tác quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên, tài sản Nhà nước, đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và công tác cán bộ.
Báo cáo cũng nhấn mạnh việc cần thiết kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng; tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý phù hợp tại cơ sở, hạn chế phát sinh khiếu nại vượt cấp; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng.
Về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại tố cáo, báo cáo nêu rõ: Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật và việc ban hành văn bản không phù hợp, không khả thi; tích cực triển khai Đề án cải cách chế độ công vụ, công chức; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ; cụ thể hoá các mục tiêu về xây dựng Chính phủ điện tử trong mỗi lĩnh vực quản lý Nhà nước và xây dựng kế hoạch triển khai thiết lập hệ thống thông tin kết nối Bộ, ngành, địa phương, đẩy mạnh mô hình một cửa; triển khai Đề án tổng thể đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.
Chênh lệc giàu nghèo cao
Theo báo cáo, các chính sách giảm nghèo được quan tâm triển khai. Ước tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 giảm 1,8-2% so với năm 2012, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tuy nhiên, tính bền vững của thành tựu giảm nghèo còn thấp do ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất mong manh (tính đến cuối năm 2012, số hộ cận nghèo bằng gần 68,4% tổng số hộ nghèo), tỷ lệ hộ nằm sát chuẩn nghèo cao.
Đời sống nhân dân, người lao động, hộ nghèo, đối tượng xã hội còn rất nhiều khó khăn; còn có khoảng cách chênh lệch lớn về mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư đặc biệt là ở những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới; nguồn lực huy động cho chương trình xoá đói, giảm nghèo còn hạn chế, chưa thật sự đáp ứng được mục tiêu đề ra. Số lượng các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn còn nhiều.
Về định hướng đến năm 2014, phấn đấu giảm dần khoảng cách về thu nhập và đời sống giữa các vùng. Tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững, nhất là đối với các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng ATK, tập trung cho các huyện, xã, thôn, bản khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Bên cạnh đó, giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không”; tập trung ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới; khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo./.