"Thương lượng bồi thường oan sai không phải để cò kè với dân"
VOV.VN - Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, việc thương lượng là để đạt sự thống nhất, đồng thuận tiến tới bồi thường chứ không phải để giảm trách nhiệm.
Người bị oan không phải “có hoá đơn” mới được bồi thường
Báo cáo giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, một số ý kiến cho rằng, quy định tại điểm C khoản 2 về nghĩa vụ của người bị thiệt hại phải chứng minh những thiệt hại thực tế xảy ra là rất khó khăn; một số ý kiến đề nghị bỏ quy định ở điểm này hoặc cần quy định cụ thể trong Luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong giải quyết bồi thường nói chung và bồi thường nhà nước nói riêng thì người yêu cầu bồi thường phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại. Vì vậy, quy định của dự thảo Luật là cần thiết.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người yêu cầu bồi thường, đồng thời giải quyết những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn công tác giải quyết bồi thường đối với các trường hợp khó chứng minh được thiệt hại do thời gian diễn ra quá lâu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể về các thiệt hại, chi phí được bồi thường và việc xác định thiệt hại, chi phí, trong đó quy định rõ để xác định mức bồi thường ngay trong Luật này trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với một số chi phí được bồi thường.
Ví dụ Điều 28 quy định các chi phí hợp lý khác được bồi thường có: Chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong quá trình tố tụng; Chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù trong tố tụng hình sự...
Với những chi phí trên, trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với các chi phí thì chi phí được bồi thường không quá 06 tháng lương cơ sở tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này cho 01 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại hoặc tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.
Một điểm mới là luật quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường. Theo ông Nguyễn Khắc Định, việc bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường là cần thiết để góp phần giảm bớt khó khăn trước mắt cho người bị thiệt hại. Quy định như vậy cũng không trái với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm quyền của người bị thiệt hại, đồng thời bảo đảm tính chặt chẽ, tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể những thiệt hại được tạm ứng, theo đó chỉ tạm ứng đối với những thiệt hại về tinh thần và những thiệt hại có thể xác định được ngay mà không cần xác minh, đồng thời chỉnh lý quy định về mức tạm ứng không quá 50% thành không dưới 50% giá trị các thiệt hại như quy định tại Điều 44 của dự thảo Luật.
Thương lượng không phải “cò kè” với dân
Thảo luận về dự thảo luật, ĐB Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) đồng tình về nguyên tắc thương lượng là thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó, thương lượng phải mang tính nhân văn và thúc đẩy việc bồi thường nhanh hơn chứ không phải thương lượng để giảm bớt trách nhiệm bồi thường. “Thực tế cho thấy cơ quan chức năng cứ “cò kè” với người dân trong khi người dân đã bị thiệt hại rất nhiều rồi, “cò kè” cho đến khi người dân không theo đuổi được nữa đành phải chấp nhận mức bồi thường, như vậy là không công bằng. Cần quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm để đảm bảo hài hoà quyền của Nhà nước và công dân” – đại biểu Sang nêu quan điểm.
Giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, dự thảo luật có nhiều điểm mới so với luật hiện hành như quy định rõ hơn về trách nhiệm hoàn trả của người làm sai, tạm ứng kinh phí bồi thường oan sai. Cùng với đó là làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan nhà nước, đảm bảo quyền công dân nhưng cũng đảm bảo sự vận hành bình thường của cơ quan nhà nước, không làm “chùn tay” khi thực thi nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long |
Liên quan trách nhiệm hoàn trả tiền cho Nhà nước, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, nguyên tắc trách nhiệm bồi thường khi công chức gây ra oan, sai là trách nhiệm Nhà nước như tên của luật. Các nước cũng đi theo hướng không có bảo hiểm đối với hoạt động của công chức này.
“Công chức làm sai thì trước hết Nhà nước chịu trách nhiệm nhưng cùng với đó có trách nhiệm hoàn trả của người trực tiếp gây ra. Luật thiết kế hoàn trả với các trường hợp khác nhau, căn cứ mức độ lỗi của người thi hành công vụ để tính và đã được thể hiện tương đối cụ thể. Còn liên đới bồi hoàn thì luật giao Chính phủ quy định chi tiết” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết.
Người đứng đầu ngành Tư pháp cũng khẳng định, thương lượng là nguyên tắc được áp dụng khi bồi thường và đây cũng là tiếp cận chung của các nước. Dự thảo luật thiết kế kỹ về thương lượng, từ thành phần đến địa điểm, nội dung, quy trình thương lượng.
“Chúng tôi ý thức được rằng thương lượng là đảm bảo đi đến thống nhất, thoả thuận trước khi bồi thường chứ không hẳn cò kè thêm bớt với công dân” – Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết việc quy định thành phần thương lượng dựa trên ý tưởng các cơ quan liên quan ngồi lại cùng lúc và thống nhất thực hiện luôn, góp phần đẩy nhanh thủ tục bồi thường./.