Tổ chức phiên tòa trực tuyến cần đảm bảo các điều kiện bảo mật

VOV.VN - Nhất trí với chủ trương lâu dài xây dựng tòa án trực tuyến, tuy nhiên theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), phiên tòa trực tuyến cần đảm bảo về điều kiện hạ tầng, nền tảng số hóa, hồ sơ và hệ thống tương tác, lưu trữ hồ sơ, đảm bảo điều kiện bảo mật

Chiều 23/10, báo cáo Quốc hội về lý do cần tổ chức phiên tòa trực tuyến, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự biến đổi không ngừng của công nghệ số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hoạt động của tòa án.

Thực tiễn quốc tế cho thấy, nhiều nước có nền khoa học công nghệ phát triển đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp. Từ cung cấp dịch vụ hành chính tư pháp trực tuyến; tống đạt điện tử; cung cấp, tiếp nhận chứng cứ điện tử, trực tuyến… đến xét xử trực tuyến đều được thực hiện một cách thường xuyên và dần thay thế hoạt động tố tụng truyền thống.

Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội, do đó, hoạt động xét xử của tòa án cũng bị ảnh hưởng; nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.

Để thích ứng với trạng thái bình thường mới, việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt hiện nay. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ cũng phải tổ chức họp và điều hành một số hoạt động qua phương thức trực tuyến. Tòa án tất yếu áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định.

Từ những phân tích nêu trên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc, tố tụng do pháp luật quy định và đáp ứng yêu cầu cấp bách thực tiễn hiện nay.

Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị cho phép: “Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng”;

Phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm;

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng và sự tôn nghiêm của tòa án”…

Tán thành với đề nghị cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nêu rõ, vì xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nên cần được tiến hành thận trọng, từng bước chắc chắn.

Do đó, theo Ủy ban Tư pháp, việc TANDTC giới hạn phạm vi chỉ tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với một số vụ án hình sự, dân sự, hành chính với các căn cứ, điều kiện cụ thể, chặt chẽ (vụ án có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng); không tổ chức phiên tòa trực tuyến các vụ án khác, là có sự cân nhắc thận trọng, bảo đảm tính khả thi.

Ngoài ra, vì lý do áp dụng các biện pháp cấp bách trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nên Quốc hội mới xem xét, quyết định theo thủ tục rút gọn về việc ban hành Nghị quyết cho phép Tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến. Về lâu dài, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong các luật tố tụng. Do đó, UBTP đề nghị quy định thời hạn cụ thể để TANDTC báo cáo Quốc hội về kết quả tổ chức phiên tòa trực tuyến sau một thời gian thực hiện (chậm nhất là 03 năm kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực).

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum), cho rằng, trên thực tế dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xét xử nói chung mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động khác về tố tụng hình sự như giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án hình sự và truy tố.

Trong bối cảnh, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp, nghiêm trọng và khó lường với thế giới và Việt Nam, tiếp tục ảnh hưởng đến việc xét xử của ngành tòa án, do vậy đại biểu Phước nhất trí cần có biện pháp ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết khó khăn vướng mắc trong việctiến hàn h các hoạt động tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phước, cần nghiên cứu bổ sung tài liệu về kết quả, sơ kết về các vụ án tồn đọng đến nay do tác động của dịch Covid-19 mà các tòa án chưa đưa ra xét xử được.

“Việc xét xử trực tuyến là xu thế chung, nhưng đây là vấn đề mới cần bước đi cẩn trọng, chặt chẽ để tránh xảy ra sơ suất. Trước hết áp dụng trong vụ án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu. Đối với một số vụ án hình sự, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, đại biểu Phước nói.

Tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Lý Thị Tiết Hạnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đề nghị trước hết giao cho các cấp tòa thực hiện thí điểm đối với một số loại án. Sau khi thí điểm, đánh giá rút kinh nghiệm kỹ lưỡng, nghiêm túc trên tất cả mọi mặt mới triển khai nhân rộng.

Nhất trí với chủ trương lâu dài là xây dựng tòa án trực tuyến, tuy nhiên theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), phiên tòa án trực tuyến cần đảm bảo về điều kiện hạ tầng, nền tảng số hóa, hồ sơ và hệ thống tương tác, lưu trữ hồ sơ… Do đó, triển khai tòa án điện tử, trực tuyến cần đảm bảo các điều kiện bảo mật khi thực hiện qua trực tuyến.

“Tôi đề nghị trong Nghị quyết giao cho tòa án và các cơ quan hữu quan xây dựng đề án, nếu liên quan đến pháp lý cần xử lý những vấn đề pháp lý. Đề án đó xử lý tất cả các yếu tố cần thiết để phiên tòa trực tuyến không ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân, không ảnh hưởng đến việc làm của các cơ quan tiến hành tố tụng mà giải quyết được những ách tắc hiện nay, đồng thời không ảnh hưởng đến quyền lợi của các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng", đại biểu Nghĩa kiến nghị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thu trên 4 nghìn tỷ đồng tài sản tham nhũng, xử lý hình sự 16 người đứng đầu
Thu trên 4 nghìn tỷ đồng tài sản tham nhũng, xử lý hình sự 16 người đứng đầu

VOV.VN - 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người đã bị xử lý kỷ luật.

Thu trên 4 nghìn tỷ đồng tài sản tham nhũng, xử lý hình sự 16 người đứng đầu

Thu trên 4 nghìn tỷ đồng tài sản tham nhũng, xử lý hình sự 16 người đứng đầu

VOV.VN - 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người đã bị xử lý kỷ luật.

Đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn trong năm 2021
Đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn trong năm 2021

VOV.VN - Thời gian qua, ngành Kiểm sát tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn.

Đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn trong năm 2021

Đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn trong năm 2021

VOV.VN - Thời gian qua, ngành Kiểm sát tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn.

Ủy ban Tư pháp: Cần có quy định để ngăn ngừa trục lợi tiền từ thiện
Ủy ban Tư pháp: Cần có quy định để ngăn ngừa trục lợi tiền từ thiện

VOV.VN - “Dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần có quy định của pháp luật”.

Ủy ban Tư pháp: Cần có quy định để ngăn ngừa trục lợi tiền từ thiện

Ủy ban Tư pháp: Cần có quy định để ngăn ngừa trục lợi tiền từ thiện

VOV.VN - “Dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần có quy định của pháp luật”.