“Tuyển sinh viên sư phạm nên như tuyển sinh quân đội”

VOV.VN - Nhiều ý kiến đề nghị xác định học sư phạm được bố trí công tác, cần bao nhiêu tuyển bấy nhiêu, không phải nghĩ đến xin việc hay "chân trong chân ngoài"

Chiều nay (21/1), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ trình bày.

“Nên bố trí việc nhưng siết điểm đầu vào”

“Phải nâng chuẩn nhà giáo chứ không thể để trình độ như thế này mãi” – ông Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến khi thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và nhấn mạnh cần có sự thay đổi trong phân luồng sinh viên sau tốt nghiệp.

Theo ông Hiển, thay vì cứ học sư phạm ra rồi thi công chức thì nên hướng tới đầu vào sư phạm. “Đã đi học sư phạm thì khẳng định luôn sẽ được bố trí công việc, nơi nào có nhu cầu thì phân công anh đến đó sau khi tốt nghiệp, nhưng điểm đầu vào phải cao. Được như thế thì người học yên tâm và coi việc đi học sư phạm là niềm mơ ước, khi ra trường sẽ có điều kiện công tác”.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng cho rằng khi khẳng định sẽ bố trí công việc cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp thì nhất thiết phải siết đầu vào để đảm bảo chất lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ (Ảnh:Quochoi.vn)

Cũng cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị “tuyển giáo viên nên như tuyển sinh quân đội”, tức cần bao nhiêu tuyển bấy nhiêu, ra làm việc luôn để tránh trường hợp sinh viên tốt nghiệp loại giỏi phải đi làm việc khác hay phải nghĩ đến ra trường là phải đi xin việc.

Xác định như vậy để anh chị em không phải nghĩ đến thi công chức, hay phải “chân trong chân ngoài” mà đã vào sư phạm là say mê, “sống chết” với nghề.

“Cử tuyển có nghĩa là có nhu cầu mới cử đi học, do đó khi về địa phương thì phải được bố trí công việc chứ không để khó khăn như hiện nay”.

Nhấn mạnh chất lượng đầu vào ngành sư phạm, ông Đỗ Bá Tỵ nói: “Nhất thiết phải thi tuyển để đảm bảo chất lượng. Giáo viên như khuôn và khuôn nào sản phẩm đó. Giáo viên tốt mới có học sinh tốt. Giáo viên đầu vào 3 điểm thì làm sao đào tạo ra học sinh tốt được!”

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý cần nghiên cứu thêm về chính sách với sinh viên sư phạm nhưng phải phù hợp với cơ chế tuyển dụng. Bởi không có cơ chế tuyển dụng riêng, đặc thù cho ngành nào vì luật quy định rồi. Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, có cơ chế cử tuyển rồi lại thêm đặc thù về tuyển dụng nữa thì có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Phân luồng để bớt nặng nề tâm lý khoa bảng

Về định hướng nghề nghiệp, phân luồng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng nên phân luồng rõ, khi vào cấp THPT thì có THPT toàn phần để có bước phát triển sau này lên ĐH, nhưng có học sinh kết hợp học nghề.

Theo ông Hiển, trước đây có thời gian học sinh buổi chiều học kỹ thuật, khi tốt nghiệp 3 năm các em vừa có thể có bằng tốt nghiệp, vừa có bằng công nhân kỹ thuật bậc 3.

“Đó cũng là hướng đi đúng, tạo ra lực lượng lao động hợp lý, tránh “thừa thầy thiếu thợ”. Các em học nghề có thể học liên thông, nâng cao tay nghề thì học CĐ nghề” – ông Hiển nêu quan điểm.

Nhấn mạnh đây là vấn đề rất lớn mà nếu không làm rõ sẽ không giải quyết được thực tế hiện nay là con em cứ đổ xô vào ĐH, CĐ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng việc giải quyết phân luồng là để phụ huynh xác định được con em mình học đến mức độ nào đó thì đi tiếp vào ĐH hay học nghề, có công ăn việc làm và vẫn được xã hội tôn vinh, tránh nặng nề tâm lý khoa bảng.

Cho ý kiến về kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng là nội dung cuối cùng của phiên họp 31 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội./.

Trên 1 triệu lượt ý kiến góp ý

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, phạm vi và nội dung lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là toàn diện, thực hiện trên toàn bộ nội dung dự thảo Luật từ hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng chứng chỉ; giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên... Kết quả lấy ý kiến Nhân dân cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp Nhân dân đối với dự thảo Luật, với trên 1 triệu lượt ý kiến góp ý.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên