Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội sẽ báo cáo về vụ án Hồ Duy Hải

VOV.VN - “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho Uỷ ban Tư pháp xem xét và có báo cáo theo đúng quy định, sau đó Quốc hội sẽ có quan điểm”.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết như vậy tại cuộc họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, chiều 19/6.

PV: Tại cuộc họp báo trước khai mạc Kỳ họp thứ 9, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật liên quan đến các kiến nghị giám sát hoạt động xét xử vụ án Hồ Duy Hải. Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng mới tiến hành họp phiên toàn thể liên quan đến vụ án này. Xin Tổng Thư ký Quốc hội cho biết kiến nghị của cơ quan chuyên môn là gì, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét như thế nào?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Như tôi đã khẳng định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài 12 năm. Hội đồng Thẩm phán đã mở phiên giám đốc thẩm xem xét vụ án Hồ Duy Hải theo kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao. Sau kết luận giám đốc thẩm thì có nhiều ý kiến từ dư luận, báo chí và đại biểu Quốc hội.

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho Uỷ ban Tư pháp xem xét và có báo cáo theo đúng quy định của pháp luật. Uỷ ban Tư pháp mới họp hôm 16/6 để xem xét về vụ án và hiện chưa có báo cáo lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi báo cáo thì Quốc hội sẽ nghe và có quan điểm, lúc đó sẽ thông tin tới báo chí.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc

PV: Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội không tiến hành chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ. Các đại biểu có thể thực hiện quyền chất vấn bằng văn bản. Tổng Thư ký có thể cho biết các văn bản chất vấn đã được gửi hay chưa và việc tổng hợp trả lời chất vấn như thế nào, có được công khai để người dân và báo chí tiếp cận hay không?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Kỳ họp này Quốc hội không tổ chức chất vấn trực tiếp, dành thời gian cho các thành viên Chính phủ tập trung xử lý về dịch bệnh Covid-19, nhất là sau khi dịch được kiểm soát thì rất nhiều công việc còn ngổn ngang.

Việc chất vấn bằng văn bản cũng là hình thức giám sát và Bộ trưởng có trách nhiệm nghiên cứu trả lời, chậm nhất sau 20 ngày theo luật định.

Đã có 42 văn bản của đại biểu chất vấn các Bộ trưởng và hiện Bộ trưởng đang chuẩn bị trả lời. Nôi dung chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của Quốc hội.

PV: Ông có thể đánh giá kết quả lớn nhất của Kỳ họp thứ 9?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Như đã biết, chúng ta qua 60 ngày không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng nhưng tình hình chưa thể nói trước. Bởi, nhiều nước qua thời gian dài không có ca nhiễm cộng đồng thì hiện đang tái lại.

Trước tình hình đó, Quốc hội lần đầu tiến hành họp trực tuyến sau 75 năm hoạt động và là nước thứ 4 áp dụng hình thức này.

Kết quả đạt được có thể khẳng định rất tốt, mở ra cơ hội để tiêp tục nghiên cứu đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Kỳ họp được chia làm 2 đợt. Đợt 1 trực tuyến, các đại biểu dành thời gian cho xây dựng pháp luật, nghe các Hiệp định trước khi họp tập trung. Khoảng thời gian giữa hai đợt họp giúp cho các uỷ ban tiếp thu, giải trình để chuẩn bị cho đợt họp 2.

Qua thăm dò, đại đa số đánh giá cao hình thức tổ chức họp tại Kỳ họp thứ 9 và gần 74% đề nghị tiếp tục áp dụng một kỳ họp chia làm hai đợt như vừa qua.

Mọi công việc đều thuận lợi và Quốc hội thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến 6 dự án luật và lần đầu tiên ban hành tới 21 Nghị quyết chỉ trong 19 ngày làm việc.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên