Vẫn còn đối phó khi trình văn bản quy định chi tiết thi hành Luật
VOV.VN - Đại biểu cho rằng, đây là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến việc chậm trễ và chất lượng các dự thảo nghị định không cao.
Trong buổi chất vấn sáng nay (19/3), tại kỳ họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trả lời chất vấn của đại biểu Trương Minh Hoàng (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) về tình trạng có những dự án luật phải thay đổi, để lại hoặc đưa ra khỏi chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, mặc dù tình trạng này đã có những tiến triển tích cực, năm sau tốt hơn năm trước nhưng việc xin rút, xin lùi, xin điều chỉnh, bổ sung vào chương trình các dự án Luật vẫn đang tồn tại.
Trong các nguyên nhân, ông Lê Thành Long nhấn mạnh việc các cơ quan chưa trù liệu hết khó khăn khi lập các dự án Luật, ví dụ như Luật quy hoạch kéo theo việc sửa đổi, bổ sung 25 luật khác nhau. Thứ hai, số lượng các dự án luật, pháp lệnh đưa vào chương trình rất lớn.
Đặc biệt, hiện nay, chúng ta đang thực hiện các Nghị quyết của Trung ương như Nghị quyết TW4, TW5 và đặc biệt là TW6 khóa XII đã đưa ra một loạt giải pháp. Như vậy, chúng ta phải có sự rà soát, bổ sung, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Ngoài ra, cũng có tình trạng kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành chưa chú trọng và quan tâm đầy đủ đến công tác này.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long |
Trả lời đại biểu Trần Văn Quý, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên về tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Đến cuối năm 2017, đã phát sinh 12 văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nợ ban hành để quy định chi tiết các Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 và 9 Thông tư.
Nguyên nhân là do số lượng các văn bản quá nhiều. Chẳng hạn như Luật Du lịch có 34 nội dung phải ban hành văn bản quy định chi tiết. Tuy nhiên, thời gian vật chất lại quá ngắn. Cũng có một số văn bản quy định chi tiết quá phức tạp, ví dụ như Luật quản lý tài sản công, trong đó có việc khoán xe, chế độ xe cho các chức danh, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Từ thực tế này, theo ông Lê Thành Long, trong một số trường hợp, cơ quan chủ trì soạn thảo mạnh dạn đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian có hiệu lực của Luật chứ không thể cái nào cũng như cái nào, chỉ có 6 tháng để Luật có hiệu lực.
Tuy nhiên, một số đại biểu như Nguyễn Trường Giang, ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội cho rằng, có hiện tượng đối phó khi trình văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Và đây là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến việc chậm trễ và chất lượng các dự thảo nghị định không cao. Ở đây không thể đổ lỗi cho sức ép về mặt thời gian. Quan điểm thống nhất là, nếu không đảm bảo chất lượng thi hành thì cương quyết chưa thông qua luật và pháp lệnh.
Khắc phục điểm nghẽn thi hành Hiến pháp 2013
Đại biểu Nguyễn Văn Hiền, ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu băn khoăn về việc triển khai kế hoạch thi hành Hiến pháp 2013. Đại biểu Hiền đặt vấn đề "còn những lĩnh vực nào tồn đọng các văn bản Luật, những điểm nghẽn nào chưa được khắc phục?".
Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, kể từ khi có Hiến pháp 2013, Quốc hội đã ban hành được 64/89 dự án Luật. Những điểm nghẽn tồn tại tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Chẳng hạn như Luật về hội. Theo tài liệu cuối cùng mà Bộ trưởng có được, Bộ Nội vụ đã thực hiện rất nghiêm ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nội vụ đã có báo cáo báo cáo đánh giá tác động chính sách, nêu ra 6 vấn đề cụ thể để đánh giá tác động, cả định tính và định lượng. Nếu quy trình này tiếp tục được triển khai và các cơ quan có thẩm quyền có ý kiến thì Bộ trưởng tin rằng, Luật về hội sẽ sớm quay trở lại.
Liên quan đến Luật biểu tình, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Quốc hội khóa XIII đã xem xét vấn đề này, sau đó Chính phủ quyết định chưa trình Quốc hội. Tinh thần của Luật biểu tình là làm sao thể hiện được quyền tự do biểu tình trong trật tự của công dân.
Còn Nghị quyết của Quốc hội tham gia giữ gìn hòa bình, đây là một vấn đề mới và khá nhạy cảm. Chính phủ đang nghiên cứu và sớm trình.
Ngoài ra, còn một số dự án luật chưa rõ phạm vi điều chỉnh nên còn để lại như Luật bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Về giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta không phải sửa lại kế hoạch thi hành Hiến pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chúng ta sẽ cố gắng và có thể làm được. Những đạo luật chậm cũng đã được đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, trong đó có Luật về hội"./.