Vi phạm luật có thể đi tù, tham mưu luật không tốt vẫn vô sự

VOV.VN -Có dự án luật mà ngay từ dự thảo ban đầu đã nhận sự phản đối rất gay gắt từ nhân dân nhưng chưa có chế tài với người tham mưu chính sách không tốt.

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh điều này khi thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 tại Kỳ họp thứ 5, ngày 30/5.

“Nhiều luật còn xa cuộc sống”

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng, Quốc hội có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng pháp luật và Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng thể chế nhưng việc cải thiện tình hình này chưa nhiều, chưa đáp ứng mong đợi của nhân dân và doanh nghiệp về phát triển trong yêu cầu mới.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: "Có người cũng đã nói quy định pháp luật thì trên trời, còn cuộc đời thì ở dưới đất"

“Chất lượng của nhiều dự án luật còn rất xa cuộc sống. Có những dự thảo ban đầu đã nhận sự phản đối rất quyết liệt và gay gắt từ nhân dân. Có người cũng đã nói quy định pháp luật thì trên trời, còn cuộc đời thì ở dưới đất” – ông Ngọ Duy Hiểu nói và đề nghị phải hết sức quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới để các bộ, ngành phải tập trung hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.

Để nâng cao chất lượng dự thảo luật, đại biểu nhấn mạnh xác định trách nhiệm và chế tài. Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm từ ai, từ cơ quan nào hiện nay chưa rõ, trong khi ở khâu thực hiện làm khá tốt. Đó là nếu một người thực hiện quy định của pháp luật có hành vi làm trái hay thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng thì có thể người đó sẽ phải đi tù. Nhưng ở việc tham mưu ban hành chính sách cũng như việc ban hành chính sách pháp luật mà không đáp ứng yêu cầu, thậm chí cản trở sự phát triển thì hiện chưa có chế tài. Theo đại biểu đây là sự không công bằng.

Đề cập vấn đề tiếp thu và giải trình, ông Ngọ Duy Hiểu đánh giá thời gian qua nhiều ban soạn thảo tiếp thu rất nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nhưng cũng có những ban soạn thảo giải trình, tiếp thu không đầy đủ, chưa quan tâm đến những ý kiến cá biệt, những ý kiến còn khác nhau, đặc biệt là đối với những vấn đề lớn và những vấn đề quan trọng.

“Có những ý kiến dù là cá biệt nhưng trong đó cũng hàm chứa những giá trị khoa học và những chân lý mà đôi khi phải thực tiễn và thời gian mới kiểm nghiệm, mới khẳng định được tính đúng sai. Do vậy, rất mong các ban soạn thảo trước những ý kiến còn khác biệt như vậy thì cần phải giải trình đến nơi, đến chốn” – ông Ngọ Duy Hiểu kiến nghị.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) cũng cho rằng phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu của cơ quan chủ trì soạn thảo, phải xác định việc được phân công, chủ trì soạn thảo. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm buộc phải làm và nếu không làm phải gắn trách nhiệm.

Với các cơ quan được phân công thẩm định, thẩm tra, theo ông Trương Minh Hoàng, ngay khâu thẩm định cũng phải xem xét, nếu dự thảo không đảm bảo thì “ách” lại và vấn đề này cần phải cương quyết hơn.

“Vừa qua nhìn lại tốt nhiều hơn xấu”

Báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, trong năm vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký, lãnh đạo Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã ký rất nhiều văn bản đôn đốc. Điều đó thể hiện sự đổi mới và rất trách nhiệm, do đó các đề án đưa ra Quốc hội cũng có chất lượng hơn.

Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định: Điều chỉnh để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn là mặt tốt, còn chất lượng không đảm bảo mà bị bác mới là xấu

Theo ông Nguyễn Khắc Định, việc lùi, rút, điều chỉnh là cần thiết, thậm chí rất cần thiết nhưng có mặt tốt, có mặt xấu. Tốt là kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Bộ Chính trị... Còn nếu lùi, rút do kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, do chuẩn bị không tốt, chất lượng hay tiến độ không bảo đảm bị Thường vụ Quốc hội bác, cái đó là xấu.

“Vừa qua nhìn lại tốt nhiều hơn xấu” – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nói, đồng thời cho rằng nếu so với chương trình Quốc hội thông qua thì số lượng không đạt do một số luật phải rút ra khỏi chương trình nhưng so với tổng số thì vượt kế hoạch.

Phát biểu kêt luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, vấn đề bây giờ là tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng chương trình, đổi mới hoạt động soạn thảo, thẩm tra, xem xét thông qua luật, pháp lệnh. Trong buổi thảo luận hôm nay có nhiều ý kiến xác đáng nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ có tiếp thu và báo cáo giải trình khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Không có chuyện lạm dụng việc xây dựng luật để làm phình bộ máy
Không có chuyện lạm dụng việc xây dựng luật để làm phình bộ máy

VOV.VN - Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định: Quan điểm của Bộ Tư pháp là rất rõ ràng, không có chuyện lạm dụng việc xây dựng luật để làm phình bộ máy.

Không có chuyện lạm dụng việc xây dựng luật để làm phình bộ máy

Không có chuyện lạm dụng việc xây dựng luật để làm phình bộ máy

VOV.VN - Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định: Quan điểm của Bộ Tư pháp là rất rõ ràng, không có chuyện lạm dụng việc xây dựng luật để làm phình bộ máy.

Băn khoăn về tình trạng xin lùi, rút, bổ sung khi xây dựng luật
Băn khoăn về tình trạng xin lùi, rút, bổ sung khi xây dựng luật

VOV.VN - Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định.

Băn khoăn về tình trạng xin lùi, rút, bổ sung khi xây dựng luật

Băn khoăn về tình trạng xin lùi, rút, bổ sung khi xây dựng luật

VOV.VN - Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định.