Vì sao Chính phủ đề nghị rút Luật Đất đai tại Kỳ họp thứ 9?
VOV.VN -Dù đã giải quyết được nhiều điểm vướng mắc, song Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập.
Theo dự kiến chương trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Tuy nhiên, mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 theo đề nghị của Chính phủ. Chính phủ đề nghị rút Luật Đất đai khỏi chương trình kỳ họp 9 của Quốc hội. Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai theo quy trình, thủ tục rút gọn.
Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập. Ảnh minh họa |
Nhiều cử tri cho rằng, quá trình thi hành Luật Đất đai đã xuất hiện không ít tồn tại và bất cập. Một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, thậm chí có những nội dung phát sinh mới nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh. Đơn cử như việc xác định giá đất trong trường hợp cụ thể chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, quá trình thực hiện còn kéo dài, chưa đáp ứng kịp thời về tiến độ giải phóng mặt bằng, tính thời hạn sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn khá phổ biến. Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 không thống nhất, đồng bộ với các văn bản luật khác, gây khó cho quá trình tổ chức thực hiện.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Cuộc sống đang phát triển rất mạnh, nhất là khu vực đô thị thì luật pháp hiện nay của chúng ta vẫn đang còn nhiều khoảng trống và nhiều khoảng chồng chéo, xung đột. Vì vậy, khả năng thực thi pháp luật sẽ yếu”.
Những bất cập của Luật Đất đai năm 2013 gây không ít khó khăn cho các cấp, ngành trong việc hoạch định chính sách phát triển về đất đai. Đặc biệt, nhiều đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở của Luật và các chính sách liên quan để trục lợi bất chính, tham nhũng từ đất đai. Những vấn đề này được chuyên gia nghiên cứu phát triển đô thị - ông Nguyễn Đình Hòa chỉ ra: “Các quy định của Nhà nước do các Bộ ngành ban hành đôi khi còn chưa rõ ràng, chồng chéo và mỗi địa phương hiểu theo một cách khác nhau dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án đầu tư”.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn – Giảng viên trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định: “Các phương pháp định giá đất được áp dụng vẫn còn tùy tiện. Cái gốc để chúng tôi đánh giá là cơ sở thông tin, cơ sở dữ liệu và các giao dịch về đất đai trên thị trường của chúng ta chưa có một sự nhìn nhận chính thức nào. Do đó. chúng ta không có căn cứ để định giá”.
Mặc dù được đông đảo cử tri mong đợi, song dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 vẫn chưa thể trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây (dự kiến vào tháng 5/2020). Bởi lẽ cần tiến hành đánh giá tổng quát, toàn diện, đầy đủ để sửa đổi Luật Đất đai một cách tổng thể nhất.
Tại phiên họp trực tuyến thẩm tra nội dung này của Ủy ban Pháp luật, các đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị: “Qua phân tích, đánh giá sự cần thiết nội dung các chính sách, trình tự thủ tục hồ sơ để xây dựng Dự thảo nghị quyết mà Chính phủ đã trình, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, hồ sơ và nội dung như Chính phủ trình là chưa đủ cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung Dự thảo nghị quyết vào chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 dự kiến vào tháng 5/2020”.
Đại biểu Nguyễn Văn Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021: “Vấn đề thực tiễn là thất thoát và lãng phí trong lợi ích nhóm của chúng ta thể hiện rất rõ. Nó bắt nguồn từ câu chuyện Luật có rất nhiều kẽ hở, hình thành rất nhiều đại gia từ đất đai, mặc dù rất đúng quy trình nhưng rõ ràng tập trung lợi ích, tiền của, tập trung tài nguyên vào một nhóm người và ngược lại, làm kiệt quệ, bần cùng hóa một bộ phận những người dân khác. Từ những cơ sở đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ cần quyết tâm nghiên cứu”.
Tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết thúc vào cuối tháng 4, tờ trình của Chính phủ về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021 gồm 8 dự án luật, trong đó điều chỉnh chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi chương trình Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long lý giải, do nội dung của Dự án luật còn nhiều điều phức tạp, cần có thêm nhiều thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ. Đây là loại luật quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
Việc sửa đổi bổ sung dự án luật này tại thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp sẽ có tác động rất lớn đến ổn định chính trị, xã hội. Mặt khác, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương sẽ ban hành Nghị quyết mới mang tính chiến lược toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế- xã hội cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai.
Nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra đồng tình việc rút Luật Đất đai sửa đổi ra khỏi chương trình để sau Đại hội XIII của Đảng sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, việc Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức, thi hành Luật Đất đai ngay tại Kỳ họp thứ 9 về bản chất cũng là việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai. Do đó, đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện luật này tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2021 mà không cần thiết phải ban hành Nghị quyết.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng không đồng tình việc ban hành Nghị quyết giải quyết vướng mắc trong thi hành Luật Đất đai vì cho rằng không biết có giải quyết được không, trong khi Luật Đất đai là luật nền thì đã rút khỏi chương trình. Do vậy, chúng ta nên để nhiệm kỳ sau, đủ điều kiện nhìn nhận từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, đánh giá đầy đủ. Từ đó nhìn tổng thể rồi mới đi đến cụ thể.
Rõ ràng, việc sửa đổi Luật Đất đai có tầm ảnh hưởng rất lớn nên cần phải thận trọng, kỹ lượng, tránh việc áp dụng vào thực tế lại tiếp tục có thêm những thiếu sót như hiện nay. Đồng thời cần công khai trên cơ sở tiếp nhận ý kiến chuyên gia, người dân, doanh nghiệp./.