Việc "tách" luật GTĐB chưa thuyết phục được đa số Đại biểu Quốc hội
VOV.VN - Nghị trường Quốc hội những ngày cuối của Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV lại nóng với nhiều ý kiến trái chiều về việc tách Luật giao thông đường bộ và thẩm quyền sát hạch, cấp phép lái xe.
Sau câu chuyện về thủy điện nhỏ và vừa “xâm lấn” diện tích đất rừng, nghị trường Quốc hội lại “nóng” với nhiều ý kiến khác nhau về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2: dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; việc chuyển quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
Đảm bảo an toàn giao thông là mục đích không phải là đối tượng điều chỉnh
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cho rằng, Chính phủ trình dự án luật này trong tình trạng gấp rút. Đặc biệt, Chính phủ khi tách Luật Giao thông đường bộ ra thành 2 luật thì bản thân Chính phủ cũng không thống nhất được với phương án 50 - 50.
Theo đại biểu đoàn Thái Bình, Luật Giao thông đường bộ có phạm vi điều chỉnh: một là, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; hai là, phương tiện giao thông đường bộ; ba là, người tham gia giao thông thứ tư là, quy tắc về giao thông đường bộ. Bốn thành tố này thống nhất, gắn kết chặt chẽ với nhau và để hướng đến một mục đích là đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nếu chúng ta tách ra riêng rẽ những thành tố trên sẽ khô cứng và trở nên vô nghĩa.
“Xây dựng một con đường hoặc làm một cây cầu nhưng không tính đến an toàn giao thông, không tính đến người và phương tiện đi trên con đường, cây cầu đấy thì nó chỉ là những vật vô tri, vô giác và không có một ý nghĩa gì trong thực tiễn. Làm một xe ô tô, một xe máy nhưng không tính đến việc lưu thông không tính người sử dụng, không tính đến các yếu tố về an toàn thì nó chỉ là một xe trưng bày trong triển lãm” - đại biểu Bùi Văn Xuyền nêu ví dụ.
Nếu tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật thì Luật Giao thông đường bộ không còn đầy đủ, đúng nghĩa là giao thông đường bộ nữa, có nhất thiết phải giao cho Bộ Giao thông quản lý nữa hay không? Hay vì yếu tố bảo đảm trật tự, an toàn giao thông không còn, mà nó chỉ là những công trình xây dựng giao thông đơn thuần. Tên gọi Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cũng chưa hoàn toàn chính xác, vì bản chất bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chỉ là mục đích chứ không phải là đối tượng điều chỉnh của luật, đại biểu Bùi Văn Xuyền phân tích.
Không đồng ý chuyển cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an
Cùng chung quan điểm không tách Luật giao thông đường bộ làm 2 luật, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho biết, qua tham khảo ý kiến của nhiều người dân, chúng tôi thấy không nên tách vấn đề an toàn giao thông thành một luật riêng, vì là an toàn giao thông bao gồm cả phương tiện, công cụ, các quy tắc điều chỉnh hành vi giao thông. Một trong những mục đích của Luật Giao thông đường bộ và nội dung cơ bản của nó chính là để an toàn giao thông đường bộ, vậy chúng ta tách ra làm gì?
“Tôi nhận được kiến nghị chính thức của Hiệp hội Vận tải ô tô đường bộ Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô đường bộ TPHCM, là 2 tổ chức mà đại diện đông nhất của các doanh nghiệp đang vận tải ô tô đường bộ, họ cũng đề nghị là không nên tách thành luật mà sửa đổi và đặc biệt không nên chuyển việc cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an, vì sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn và tốn kém không cần thiết. Tôi đi taxi cũng nhiều, tôi hỏi mấy lái xe taxi thì không thấy ông taxi nào đồng ý chuyện chuyển cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an” - đại biểu đoàn TPHCM nói.
Nguyên nhân chính của tai nạn giao thông là do ý thức
Theo đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe ô tô, mô tô từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an không phù hợp với chủ trương của Đảng. Chủ trương của Đảng một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, công an quản lý nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Trong thời gian qua, có ý kiến cho rằng chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn tồn tại là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Nhưng qua con số thống kê cho thấy số người chết do tai nạn giao thông tính trên 100.000 giấy phép lái xe được cấp lại liên tục giảm. Năm 1995, là 61 người thì đến năm 2020 ước chỉ còn 15 người.
“Từ thống kê, phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy nguyên nhân chính của các vụ tai nạn này là do ý thức của người tham gia giao thông. Ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông gây ra và có đến 90% các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đối với người điều khiển phương tiện giao thông có thâm niên lái xe từ 7 - 10 năm", đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.
Tách luật không để phát sinh tổ chức bộ máy, tăng biên chế
Bên cạnh đa số ý kiến phản đối, cũng có những ý kiến đồng tình với việc tách luật, chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe ô tô, mô tô từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, theo tôi việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ là cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, khắc phục những tồn tại, bất cập về hạ tầng, phương tiện và vận tải giao thông đường bộ. Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật Giao thông đường bộ với các luật được ban hành mới và sửa đổi trong thời gian qua. Đảm bảo sự phù hợp với thông lệ quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
“Chính phủ sửa đổi Luật Giao thông đường bộ theo đó tách nội dung đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đào tạo, sát hạch và giấy phép lái xe từ Luật Giao thông đường bộ để xây dựng Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tôi đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về Luật Giao thông đường bộ sửa đổi” - đại biểu Trần Văn Tiến nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Vĩnh Phúc việc xây dựng hai luật này phải nghiên cứu kỹ, đảm bảo sự đồng bộ về nguyên tắc, Chính phủ thống nhất quản lý về thể chế giao thông đường bộ, không để phát sinh tổ chức bộ máy, không phát sinh tăng biên chế xã hội hóa hoạt động giao thông đường bộ, thực hiện cải cách hành chính, công nghệ hóa giao thông đường bộ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông đường bộ trên cơ sở phân công, phân cấp ủy quyền; tăng cường trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương./.
Ngày 17/11, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung của dự án luật Giao thông đường bộ sửa đổi và luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ qua phần mềm của Quốc hội.
321/414 đại biểu Quốc hội không đồng ý chuyển việc quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. 302 đại biểu không đồng tình việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2: Dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao tông đường bộ.